Đề xuất đổi tên vừa được UBND TP.HCM gửi văn bản lấy ý kiến Bộ VH-TT-DL theo Nghị định 91/2005 đối với việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại đô thị loại đặc biệt.
Theo Sở VH-TT TP.HCM, ngày 8.3.2023, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố đã họp cho ý kiến về việc đổi tên xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp.
12/18 thành viên dự họp đã đồng ý với việc đổi tên. Đoạn đường dự kiến đổi tên dài 7,79 km chia thành 2 đoạn theo lộ giới. Đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái dài 5,9 km, rộng hơn 153 m; đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức dài 1,89 km, rộng hơn 113 m.
TP.HCM đề xuất đổi tên đoạn Xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp
Cuối năm 2021, UBND TP.Thủ Đức đã có văn bản lấy ý kiến các tổ chức Đảng, Thường trực HĐND, phòng chuyên môn, Ủy ban MTTQ VN TP.Thủ Đức, đoàn thể và các phường có đoạn đường dự kiến đổi tên. Kết quả, các đơn vị thống nhất với đề xuất này. Riêng 8 phường liên quan có 467/510 ý kiến đồng ý, chiếm tỷ lệ 91,6%.
Bên cạnh đó, Hội Di sản văn hóa TP.HCM và Hội Khoa học lịch sử TP.HCM cũng bày tỏ sự thống nhất và tán thành với đề xuất này. Tên đường Võ Nguyên Giáp được HĐND TP.HCM bổ sung vào quỹ tên đường tại thành phố từ cuối năm 2013.
Theo Sở VH-TT, việc đổi tên đoạn xa lộ Hà Nội nói trên thành đường Võ Nguyên Giáp nhằm ghi nhận công lao to lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đối với vị tướng huyền thoại có công lao lớn với dân tộc.
Đáng chú ý, sau khi đổi tên sẽ hình thành trục đường xuyên suốt: Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ tạo sự gắn kết giữa sự kiện lịch sử với nhân vật lịch sử là chiến dịch Điên Biên Phủ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và giúp người dân tra cứu về tên đường, địa danh thuận thiện.
Nằm ở cửa ngõ phía đông, xa lộ Hà Nội dài 31 km, là tuyến đường nối liền TP.HCM với TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Tuyến đường này được xây dựng từ năm 1957 đến năm 1961, điểm đầu từ cầu Sài Gòn, điểm cuối là nút giao cắt QL1 tại ngã ba Chợ Sặt (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa).
Xem nhanh 12h ngày 9.4: Đề xuất đổi tên Xa lộ Hà Nội | Xôn xao hiệu trưởng đấm hiệu phó nhập viện
Bình luận (0)