Tại hội nghị gặp gỡ Chủ tịch UBND TP.HCM sáng 26.2, chủ tịch một số phường nêu khó khăn trong công tác quản lý khi lực lượng cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách giảm trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.
Nhân viên trật tự đô thị nghỉ việc vì lương thấp, người vi phạm 'lời qua tiếng lại'
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND P.2, Q.Bình Thạnh, cho biết địa bàn phường đông dân cư, tình hình lấn chiếm lòng lề đường phức tạp, công tác xử lý giao cho nhân viên trật tự đô thị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xảy ra tình trạng giằng co, "lời qua tiếng lại" với người vi phạm, thậm chí còn có tình trạng chống đối người thi hành công vụ.
Ông Quang thông tin, mức lương của nhân viên trật tự đô thị rất thấp, thâm niên dưới 5 năm khoảng hơn 2 triệu đồng, từ 5 - 10 năm được khoảng 2,6 triệu đồng, trên 10 năm được hơn 2,9 triệu đồng/ tháng và giữ nguyên chứ không được tăng thêm nữa giống như cán bộ, công chức. Hai khó khăn trên dẫn đến phường không đủ lực lượng để làm trong khi tình hình buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lề đường ngày càng nhiều.
|
"Đây là lực lượng chính để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, bên cạnh các đoàn thể. Do lương thấp nên nghỉ thường xuyên", ông Quang cho biết và đề xuất cho phường xã, quận huyện được tăng lương cho nhân viên trật tự đô thị theo niên hạn.
Tương tự, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND P.5, Q.Tân Bình cũng cho biết lương của cộng tác viên trật tự đô thị hiện còn thấp so với mức sống ở đô thị nên đề xuất UBND TP.HCM tham mưu Trung ương xem xét điều chỉnh mức lương để cộng tác viên đảm bảo đời sống và gắn bó lâu dài.
Thiếu sự phối hợp
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM đang đề xuất Chính phủ cho phép chuyển một phần thanh tra xây dựng về các địa phương thực hiện công thác thanh tra địa bàn để hỗ trợ công tác quản lý đô thị ở các địa phương.
Đối với các đề xuất của chủ tịch phường về lương và biên chế, ông Hoan cho hay lương theo khung quy định, nhân sự do quận, huyện tuyển nên phải tuân thủ. Còn về đào tạo, Sở Xây dựng xem xét, nghiên cứu đào tạo bổ sung cho cộng tác viên trật tự đô thị.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, điều quan trọng nhất để giữ trật tự lòng lề đường là công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn bởi hiện nay sự phối hợp còn rời rạc, "việc ai người đó làm, việc không phải của mình thì không tham gia hoặc tham gia với mức độ vừa phải". Bên cạnh sự phối hợp, cần nêu cao trách nhiệm của bí thư, chủ tịch phường và mở đợt cao điểm giải quyết, còn nếu chỉ có một vài người làm thì cũng chỉ làm được bề nổi.
Bình luận (0)