Tối 27.9, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết vừa phối hợp Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) triệt phá đường dây giả mạo ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) cầm đầu.
Thạch (bên trái) cùng các nghi phạm trong đường dây lừa đảo của Thạch |
CÔNG AN CUNG CẤP |
Trước đó, chiều 26.9, PC02 và Công an Q.Tân Phú ập vào kiểm tra nhà số 48 đường Trần Quang Quá (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú), phát hiện có 82 nghi phạm đang "làm việc" trên các máy móc là thiết bị liên lạc viễn thông. Công an thu giữ nhiều tang vật được các nghi phạm sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: điện thoại bàn, tai nghe, máy tính, máy in, giấy ghi chép thông tin bị hại, danh sách bị hại đã nộp tiền.
Tại cơ quan công an, nhóm nghi phạm thừa nhận lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên cả nước, riêng TP.HCM, nhóm này lừa đảo hơn 600 người với số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.
Thạch tại CQĐT |
công an cung cấp |
Thạch khai nhận, sử dụng giấy CCCD của Trần Kiều Quốc Dũng (23 tuổi) thuê nhà và sắp xếp cho 82 nghi phạm làm việc tại 3 tầng của căn nhà nói trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hằng ngày, Thạch cung cấp cho nhóm trên danh sách các cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) và kịch bản được soạn sẵn để liên lạc tư vấn.
Sau đó, Thạch chỉ đạo và hướng dẫn các nghi phạm trên sử dụng điện thoại bàn gọi điện cho người có tên trong danh sách để tư vấn cho vay. Nhóm của Thạch mạo danh nhân viên ngân hàng T. đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay các khoản từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lãi suất 0%.
Nếu khách hàng đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng, tùy số tiền vay. Nếu khách hàng đồng ý vay thì nhóm sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của ngân hàng.
Sau đó, nhóm của Thạch sẽ thuê dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hợp đồng giả kèm theo thẻ ngân hàng giả cho khách. Nhóm này còn nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay. Khi khách nhận được hồ sơ giả thì sẽ tin tưởng trả phí bảo hiểm tiền vay cho "nhân viên bưu điện" bằng tiền mặt.
Tiếp đến, nhóm của Thạch liên hệ bưu điện lấy số tiền mặt rồi chiếm đoạt.
Theo CQĐT, các nghi phạm trong nhóm của Thạch thuê về liên lạc tư vấn dẫn dụ khách, tổng hợp số liệu bị hại, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện với mức lương 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các nghi phạm được thưởng theo doanh số từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng/mỗi đơn.
Hiện vụ án giả mạo ngân hàng cho vay để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang được công an điều tra mở rộng.
Bình luận (0)