TP.HCM: Gần 60.000 người mắc sốt xuất huyết, 24 người tử vong

Duy Tính
Duy Tính
28/09/2022 07:18 GMT+7

Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 25.9, TP.HCM có gần 60.000 người mắc sốt xuất huyết và có đến 24 người tử vong do căn bệnh này.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần 39 (từ 19 - 25.9), TP.HCM ghi nhận 2.563 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 5% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 21,4% và ngoại trú tăng 11,7%. Trong tuần 39, hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết không nên tự ý điều trị tại nhà

NHẬT THỊNH

Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến tuần 39, TP.HCM ghi nhận 59.618 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 589,9% với cùng kỳ năm 2021 (8.641 ca). Số ca sốt xuất huyết nặng là 1.296 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết 2,17% (1.296 /59.618) tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,58% (50/8.641).

Trong tuần 39, TP ghi nhận thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Q.8. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến tuần 39 là 24 ca, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021 (4 ca).

Trong tuần 39, toàn TP ghi nhận 149 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 84 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP.Thủ Đức; giảm 4 ổ dịch mới so với tuần 38. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần 39 là là 298 ổ dịch; có 3 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 370 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 154 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, TP.Thủ Đức.

Ngày 27.9: Cả nước 1.585 ca Covid-19, 1.227 ca khỏi

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng

Trong tuần 39, TP ghi nhận thêm 488 ca bệnh tay chân miệng, tăng 16,7% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Tính từ đầu năm đến tuần 39, TP ghi nhận 14.738 ca bệnh tay chân miệng. Trong tuần 39, toàn TP ghi nhận 3 ổ dịch tay chân miệng mới, ngoài ra báo cáo bổ sung 1 ổ dịch tay chân miệng vào tuần 38. Số ổ dịch tích lũy đến tuần 39 là 70 ổ dịch.

Phòng chống sốt xuất huyết như thế nào?

Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng (bọ gậy) và thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay,...

5. Tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.