Ngày 7.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn công tác T.Ư khảo sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã làm việc với Thành ủy TP.HCM.
Tham dự đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Sau khi phân tích một số khó khăn của giáo dục TP.HCM, nhất là vấn đề kinh phí dành cho giáo dục, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cho hay với giáo viên tiểu học tổng mức lương khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, giáo viên THCS và THPT lương bình quân khoảng 7,1 triệu đồng/tháng.
tin liên quan
TP.HCM đề xuất thi THPT riêng để đảm bảo công bằng cho học sinh thành phố
Ngoài ra, các trường tạo thêm điều kiện để cho giáo viên có thêm thu nhập bằng cách tiết kiệm lương khoán (20% ngân sách dành cho giáo dục), công việc, hoạt động khác. Thành ra bình quân thu nhập của giáo viên ở TP.HCM khoảng 9 triệu đồng ở các cấp học. Con số này tuy chưa cao nhưng cũng giúp cho thầy cô yên tâm thực hiện trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, theo ông Sơn giáo viên THPT còn tham gia các trung tâm dạy văn hóa, trước đây thường gọi là trung tâm dạy thêm, học thêm để có thêm thu nhập.
Nhân đây ông Sơn cũng thông tin những năm vừa qua, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo sát sao không được xảy ra tiêu cực trong dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, với giáo viên tiểu học, phụ huynh có nhu cầu gửi con để rèn thêm chữ, dạy thêm toán; bậc THCS và THPT thì phụ huynh có nhu cầu dạy kèm môn yếu hay nhu cầu học thi theo khối.
Ông Sơn cho hay hiện không có việc dạy thêm, học thêm tại trường. Các đơn vị, trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ phải đăng ký, được Sở GD-ĐT cấp phép, còn giáo viên muốn dạy thêm ở các trung tâm này phải được sự cho phép của trường.
Ngoài ra, còn có nội dung ràng buộc là giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của mình tại lớp. Hiện các học sinh có tâm lý đăng ký học thêm chính thầy cô đã dạy mình ở trường.
Bình luận (0)