TP.HCM hành động tiến tới 'Net Zero city'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/02/2023 09:52 GMT+7

TP.HCM khởi động kế hoạch hành động vì mục tiêu thành phố không phát thải (Net Zero city), góp phần thực hiện hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 năm 2021.

Hôm qua (22.2), Sở TN-MT TP.HCM tổ chức hội thảo khởi động "Xây dựng kế hoạch hành động cho TP.HCM hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải (Net Zero city)". Tham dự có đại diện các sở ban ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết chương trình này thuộc khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM (VUES), do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và do Sở Công thương TP.HCM là đơn vị chủ dự án Net Zero city.

Dự án Net Zero city có 3 hợp phần: tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương, huy động nguồn lực đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu đề ra nhằm triển khai sản xuất 400 MW điện năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm; huy động 600 triệu USD đầu tư mới để khắc phục những thách thức trong lĩnh vực tài chính cho năng lượng sạch.

TP.HCM bắt đầu hành động để trở thành 'Net Zero city' - Ảnh 1.

TP.HCM hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải (Net Zero city)

ĐỘC LẬP

Trong đó, ở hợp phần 1, dự án sẽ hỗ trợ Sở Công thương và các đơn vị liên quan thực hiện các công việc về quản lý năng lượng tại TP.HCM.

Đồng thời, triển khai một số hoạt động liên quan đến quản lý khí nhà kính như hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng '0' của TP.HCM; hỗ trợ các đơn vị phát thải khí nhà kính lớn nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính hằng năm; nghiên cứu các biện pháp sử dụng nước hiệu quả trong các cơ sở công trình công lập tại TP.HCM; hỗ trợ các cơ sở sản xuất điện rác...

Đối với các hoạt động này, Sở TN-MT phối hợp Sở Công thương và các đơn vị tư vấn triển khai.

Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, 'net zero', hay phát thải ròng bằng '0' nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần về bằng 0 càng sớm càng tốt.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050.

Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Trần Văn Bảy nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu và những hành động ứng phó cấp bách đang được toàn thế giới quan tâm.

"TP.HCM là trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Cùng sự phát triển, TP.HCM đang đi đầu đánh giá lượng phát thải, tìm kiếm giải pháp cũng như xây dựng kế hoạch nhằm góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Sở TN-MT hoan nghênh sự hỗ trợ của tổ chức USAID nhằm xây dựng kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng '0' - Net Zero city cho TP.HCM", ông Bảy nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia của USAID đã giới thiệu về dự án, kế hoạch triển khai nhiệm vụ; phương pháp tiếp cận, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chiến lược và hoạt động hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải.

Đồng thời, hội thảo cũng có tham luận chủ đề rà soát một số chính sách và kế hoạch hành động của TP.HCM liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để hướng đến Net Zero city.

26 cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường

UBND TP.HCM mới đây có quyết định công nhận Giải thưởng Môi trường TP.HCM lần thứ 4 - năm 2021 đối với 18 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường TP.HCM. 

Cụ thể:

Các tập thể đạt giải nhì gồm Phòng TN-MT Q.Bình Thạnh; Ban quản lý rừng phòng hộ Bình Chánh - Củ Chi; Trường Mầm non Tân Định, Q.1; Trường Mầm non Nguyễn Cư Trinh, Q.1; Trường Mầm non 19.5, Q.8; Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích H.Cần Giờ.

Tập thể đạt giải ba gồm: Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT; Phòng GD-ĐT H.Hóc Môn; Hội Liên hiệp phụ nữ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Q.Bình Thạnh; Chùa Long Hoa, Q.8; Trường Mầm non Họa Mi 1, Q.5; Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi, H.Hóc Môn; Công ty TNHH Tân Thuận; Công ty TNHH MTV Saigon Co.op xa lộ Hà Nội; Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt Nam; Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp II.

Các cá nhân đạt giải nhì gồm: bà Châu Phụng Chi, Phó trưởng Phòng TN-MT Q.1; bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19.5, Q.10.

Các cá nhân đạt giải ba gồm: bà Đoàn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Q.3; ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ H.Cần Giờ; ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên, Ban quản lý rừng phòng hộ H.Cần Giờ; ông Võ Trung Tín, Giảng viên Đại học Luật TP.HCM; ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu; bà Trần Phương Nga, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.