TP.HCM hối thúc làm hầm giảm ùn tắc ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất

27/03/2023 21:59 GMT+7

Tân Sơn NhấtUBND TP.HCM đánh giá Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất là khu vực cần ưu tiên để tập trung cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Kết luận sau buổi làm việc với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Hải quan TP.HCM cùng các Sở ngành về hoạt động liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá: bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế tại sân bay.

TP.HCM hối thúc làm hầm giảm ùn tắc ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc do khai thác vượt nhiều lần công suất thiết kế

CAO AN BIÊN

Đơn cử, công tác đầu tư xây dựng công trình giao thông còn chậm do vướng giải phóng mặt bằng; mức độ hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ còn hạn chế, nhất là nhà ga đi và khu vực phòng chờ ra tàu bay (chất lượng mạng wifi, phòng vệ sinh và số lượng nhà hàng, dịch vụ ở sân bay...); thủ tục xuất nhập cảnh mất nhiều thời gian, chưa có line ưu tiên cho khách thương gia; băng chuyền hành lý tại sân bay chưa được điều phối tổ chức hợp lý dẫn đến việc đông đúc tại một số băng chuyền nhưng băng chuyền khác lại không hoạt động; không gian bố trí xe công cộng còn hạn chế...

Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong thời gian tới. 

Cụ thể, lãnh đạo thành phố yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí mặt bằng khu vực các sảnh hợp lý, dành nhiều không gian hơn cho hành khách, bố trí các luồng di chuyển hành khách hợp lý hơn, hạn chế tình trạng chậm chuyến. Bên cạnh đó, bổ sung các màn hình LED cỡ lớn để hiển thị thông tin thông báo dễ nhận biết, nhất là khu vực trả hành lý; tiếp tục đầu tư, nâng cấp chất lượng nhà vệ sinh tại ga đến và ga đi. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng một phần nhà để xe TCP, tầng trệt ga quốc nội để bổ sung khu vực làm thủ tục "check-in".

Thành phố cũng đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam chủ trì nghiên cứu cơ chế thí điểm làn ưu tiên thủ tục xuất nhập cảnh dành cho đoàn khách hạng thương gia và du khách MICE; tìm giải pháp xử lý hỗ trợ đối với đoàn khách chưa đăng ký trước và đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình xuất nhập cảnh, soi chiếu an ninh, thủ tục lên tàu bay nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của du khách.

Về nhóm giải pháp công trình, ông Bùi Xuân Cường đề nghị ACV nghiên cứu, báo cáo thống nhất với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ GTVT để sớm triển khai xây dựng hầm bộ hành hoặc cầu vượt bộ hành kết nối nhà để xe TCP và nhà ga quốc nội; cập nhật tình hình thực hiện gửi UBND TP trong tháng 3 để phối hợp theo dõi triển khai thực hiện. Đây là hai công trình đã được Sở GTVT TP kiến nghị các đơn vị nghiên cứu từ 2020.

Ngoài ra, Sở GTVT TP được giao chủ trì nghiên cứu tổ chức giao thông tổng thể khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm áp lực trên đường Trường Sơn, các nút giao thông xung quanh khu vực sân bay, kết nối từ nhà để xe TCP ra đường Trường Sơn...

Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu hành khách/năm, nhưng từ nhiều năm nay luôn đón lượng khách vượt xa công suất, như năm 2017 là 36 triệu khách, năm 2018 đạt 38,3 triệu khách và cao điểm du lịch 2019 lên tới 40,130 triệu hành khách. Tổng kết năm 2022, Tân Sơn Nhất đón gần 2,3 triệu lượt khách, chiếm 65,5% số khách du lịch quốc tế trên cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.