Trước đó, trong hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp vận tải, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM đã thực hiện đánh giá chất lượng và có chế tài nhưng là các vi phạm riêng lẻ, chưa đồng đều. Do đó, nhiều đơn vị chỉ tập trung vào từng hành vi để tránh vi phạm, chưa chú trọng chất lượng chung.
Việc đánh giá theo Bộ chỉ tiêu mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với xe buýt. Đồng thời, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ, khuyến khích các đơn vị chú trọng hơn về chất lượng, thu hút thêm hành khách.
Theo đó, từ 1.4, xe buýt tại thành phố sẽ được chấm điểm dựa trên 6 tiêu chí theo tỷ lệ: hoàn thành số chuyến thực hiện so với kế hoạch; hoàn thành về tính đúng giờ; hành khách phản ánh, khiếu nại; hoàn thành kế hoạch về chỉ tiêu chất lượng phương tiện; lái xe và phương tiện đủ điều kiện xuất bến theo quy định.
Với từng tiêu chí, trung tâm đưa ra các chỉ số, thang đo cụ thể để đánh giá. Trong đó, mức hoàn thành tốt tương ứng 8 - 10 điểm; hoàn thành khi số điểm đạt 6 - 8 và nếu doanh nghiệp chỉ đạt 2 - 6 điểm sẽ xem không hoàn thành.
Việc đánh giá chất lượng được thực hiện hàng tháng với từng tuyến buýt qua kiểm tra trực tiếp và các số liệu từ giám sát trực tuyến. Dựa trên kết quả này, cơ quan này sẽ có chính sách thưởng, phạt tương ứng với đơn vị vận tải.
TP.HCM hiện có 2.043 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 91 tuyến trợ giá. Ngoài phương thức đặt hàng, thành phố đang lên kế hoạch đấu thầu 60 tuyến buýt trong năm nay, dự kiến cũng áp dụng tương tự các tiêu chí trên.
Bình luận (0)