TP.HCM kêu gọi không cho tiền người xin ăn, không phát quà từ thiện ngoài đường

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
17/01/2024 12:53 GMT+7

Ngày 17.1, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường việc quản lý, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM tăng cường công tác chỉ đạo công an quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã, thị trấn thường xuyên rà soát địa bàn; phối hợp tổ công tác của các địa phương tập trung kịp thời người lang thang xin ăn. Đặc biệt phải theo dõi, điều tra, đưa ra xét xử các nghi phạm chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật xin ăn để trục lợi.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Viện KSND, TAND TP.HCM xét xử công khai điển hình một số vụ án chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật xin ăn để trục lợi.

TP.HCM kêu gọi không cho tiền người xin ăn, không phát quà từ thiện ngoài đường- Ảnh 1.

Tổ công tác TP.Thủ Đức đang hỗ trợ đưa người lang thang, xin ăn về để làm thủ tục xác minh cư trú, đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM

TRỌNG NGHĨA

Ngăn chặn nạn chăn dắt lợi dụng người yếu thế để trục lợi

Đáng lưu ý, UBND TP.HCM giao Sở TT-TT phối hợp các bên liên quan tích hợp kênh thông tin tiếp nhận tin báo phản ánh về trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố từ tổng đài 1022, công bố cho người dân biết và báo tin khi phát hiện trẻ em, người lang thang, xin ăn. Lưu ý số điện thoại này phải thống nhất để chuyển UBND phường, xã, thị trấn giải quyết, hỗ trợ kịp thời và phản hồi kết quả giải quyết cho người dân. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, vận động người dân không cho tiền trực tiếp các người xin ăn trên đường phố.

Đối với các quận, huyện và TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM giao tăng cường quản lý địa bàn, cùng Ủy ban MTTQ TP.HCM hướng dẫn, vận động tổ chức, cá nhân làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa (nếu có) thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội tại địa phương để đảm bảo giúp đúng người, chứ không phát quà từ thiện ngoài đường gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Các địa phương phải chủ động rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú (đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật) và phối hợp chặt chẽ Công an TP.HCM nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những người chăn dắt, lợi dụng người yếu thế xin ăn để trục lợi. Song song đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên tự lực trong cuộc sống, không để xảy ra trường hợp đi lang thang xin ăn.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, năm 2023, TP.HCM tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp người lang thang, xin ăn. Mặc dù, TP.HCM đã có nhiều giải pháp quyết liệt để thu dung người lang thang, xin ăn. Tuy nhiên, hiện vẫn không khó bắt gặp hình ảnh người già ngồi trên các vỉa hè được người đi đường cho tiền; trẻ em bán vé số, xin ăn tại các giao lộ; người khuyết tật xin ăn, bán tăm bông…

Báo Thanh Niên cũng ghi nhận thực trạng nêu trên qua loạt bài Thu dung người lang thang xin ăn (đăng từ ngày 28 - 30.12.2023), nêu lên những giải pháp của cơ quan nhà nước và chuyên gia. Trong đó, có ý kiến nhận được nhiều tranh luận của độc giả: Kêu gọi người dân không trực tiếp cho tiền người lang thang, xin ăn.

Những người không đồng tình giải pháp này đứng ở quan điểm rằng họ đang thực hành quyền con người, tình thương, lòng trắc ẩn; hệ thống an sinh của nhà nước chưa bao phủ hết người nghèo nên cần sự chung tay của xã hội. Nhóm còn lại tin việc cho tiền người lang thang, xin ăn đang vô tình "tiếp tay" cho những kẻ chăn dắt, triệt tiêu động lực phấn đấu tìm công việc ổn định, cải thiện cuộc sống.

Nhiều ý kiến cho rằng, khó giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, xin ăn, nhất là với đô thị như TP.HCM. Nhưng có thể hướng đến giải pháp mạnh mẽ hơn để trẻ em, người già (người yếu thế) không phải lang thang, xin ăn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.