TP.HCM không cấm công chức mặc quần jeans, áo thun

29/12/2017 18:02 GMT+7

Hàng loạt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM sẽ chính thức được áp dụng từ 10.1.2018.

Ngày 29.12, UBND TP.HCM ban hành quyết định về bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM.
Vấn đề này trước đó từng được Sở Nội vụ đề xuất, tham mưu. Một trong những quy định gây chú ý dư luận là trang phục làm việc của công chức ở cơ quan nhà nước.

Theo đó, quyết định chính thức của UBND TP.HCM không có thể hiện quy định cấm công chức mặc quần jeans, áo thun như những dự thảo, đề xuất trước đó.
UBND TP.HCM quy định trang phục làm việc khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định cụ thể đối với nam: mặc quần tây, áo sơmi; đối với nữ: mặc quần tây; váy dài (chiều dài váy tối thiểu ngang gối), áo sơmi (áo có tay); comple; bộ áo dài truyền thống. Đối với những ngành có quy định riêng về đồng phục thì thực hiện theo quy định của ngành.
Liên quan đến ý thức kỷ luật, TP.HCM cấm cán bộ, công chức nói tục, nói quát nạt, đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không thờ cúng trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè...
Nghiêm cấm hành dân
Về giao tiếp và ứng xử với người dân, phải có thái độ niềm nở, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân.
Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, công chức phải ứng xử có văn hóa, tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp; chân thành, thân thiện và đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của đồng nghiệp.
Trong thi hành công vụ, công chức phải nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để trễ hạn, bỏ sót nhiệm vụ; không đùn đẩy trách nhiệm; không né tránh công việc. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phải đầy đủ thủ tục, nội dung; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên và các cơ quan, đơn vị cùng cấp khác.
Trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải ký và gửi thư xin lỗi đến cá nhân, tổ chức theo quy định. Trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần, mà không có lý do chính đáng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tổ chức kiểm điểm và xử lý công chức có thiếu sót, hạn chế hoặc vi phạm theo quy định.
Bộ quy tắc có nội dung nghiêm cấm công chức yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp, bổ sung giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ đã công khai. Việc bổ sung hồ sơ, phải được thực hiện trong thời hạn quy định và bằng văn bản.
Về chuẩn mực xử sự của công chức trong các mối quan hệ xã hội cụ thể, UBND TP.HCM cấm cán bộ, công chức để người thân lợi dụng danh nghĩa, chức vụ của bản thân để vụ lợi cho gia đình và bản thân. Đồng thời, không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí, vì mục đích vụ lợi...
Bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM quy định các chuẩn mực xử sự của công chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội nhằm bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức.
Bộ quy tắc là căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý trách nhiệm khi công chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội và là cơ sở để người dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của công chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.