Trước sự quan tâm của báo chí và dư luận về ý kiến sáp nhập Q.4, ông Võ Văn Hoan khẳng định chính quyền thành phố không có chủ trương này.
“Việc sáp nhập Q.4 vào Q.1 là ý kiến cá nhân của một Phó giám đốc Sở Nội vụ (ông Đỗ Văn Đạo - PV). Đây không phải là ý kiến đề xuất của Sở Nội vụ. UBND TP.HCM và Sở Nội vụ không có chủ trương này”, ông Võ Văn Hoan nói.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cho rằng đề xuất của ông Đỗ Văn Đạo nêu ra trước đó xuất phát từ kinh nghiệm, tâm huyết của một người hoạt động trong ngành.
tin liên quan
Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập một số phường, quận TP.HCMPhó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo cho biết Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu, kiến nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM sáp nhập một số phường, kể cả sáp nhập quận, để tinh giản biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất.
Theo ông Võ Văn Hoan, về tổ chức bộ máy chính quyền, trước đây Trung ương đã cho phép TP.HCM chủ động nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc thù đô thị của TP.
Mô hình chính quyền đô thị mà TP nghiên cứu, đề xuất mang tính điều chỉnh bao quát, tổng thể cho toàn TP về tổ chức bộ máy, điều chỉnh kết cấu không gian đô thị… trong đó có đề cập đến việc sáp nhập nhiều quận, huyện theo hướng TP trung tâm và các TP vệ tinh... Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, hệ trọng nên cũng chỉ đang dừng ở mức nghiên cứu, đề xuất, chứ Trung ương chưa cho ý kiến cụ thể. Do đó, chính quyền TP hiện nay vẫn duy trì, hoạt động theo mô hình, hệ thống, cách thức tổ chức như lâu nay.
“Về tổ chức bộ máy chính quyền, TP rất quan tâm và luôn tiên phong tìm kiếm mô hình tổ chức hiệu quả nhất, phục vụ người dân tốt nhất. Có những mô hình thí điểm của TP từng được nhân rộng ra cả nước. Riêng đề án xây dựng chính quyền đô thị của TP sau 8 năm nghiên cứu kỹ lưỡng cũng được Trung ương ủng hộ. Tuy nhiên Trung ương hiện chưa thể cho ý kiến vì đây là đề án quá lớn, mang tính tổng quát, toàn diện và thay đổi cả một tổ chức bộ máy chính quyền địa phương”, ông Võ Văn Hoan nói.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, việc chia tách, sáp nhập nếu như làm theo kiểu ngẫu hứng, sẽ ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân, bởi vì nhiều hoạt hoạt động liên quan đến đời sống dân sinh bị đảo lộn. Việc tách hay sáp nhập đơn vị hành chính không phải chỉ dựa vào dân số, diện tích và số đơn vị hành chính trực thuộc mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Trong đó, quan trọng là cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội phải đạt theo quy định, cân đối thu chi ngân sách phải có dư.
Trung ương đã có quy định cụ thể về những tiêu chí của đơn vị hành chính. Quận 4 có diện tích nhỏ, dân số có thể không bằng một phường nhưng đạt được những tiêu chí của 1 đơn vị hành chính cấp quận, huyện theo quy định thì không thể "xóa sổ" được.
“Đụng đến tổ chức bộ máy là vấn đề rất khó, phải có sự lãnh đạo của cấp trên, có định hướng rõ ràng, chủ trương sớm, nghiên cứu sâu và phải trải qua các trình tự, thủ tục nghiêm ngặt chứ không phải thuần túy nghĩ ra là triển khai ngay. Khi nói nhập quận này vào một quận khác là cả một vấn đề. Chỉ riêng việc đổi số nhà, đặt tên đường cũng đã khó khăn chứ không hề đơn giản…”, ông Võ Văn Hoan bày tỏ quan điểm.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng với Quận uỷ Bình Tân vào chiều 23.12, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nêu đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính như phường và quận. Ông Đạo nêu ví dụ có thể sáp nhập Q.4 vào một quận khác vì quận này chỉ có diện tích 4 km2, dân số chỉ hơn 200.000 người.
Theo ông Đỗ Văn Đạo, việc sáp nhập một số phường, kể cả sáp nhập quận để tinh giản biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất…. Cách đây 30 năm, vấn đề tinh giản biên chế đã được đề cập và hiện nay, đây là vấn đề càng đòi hỏi cấp bách hơn.
Ngay tại buổi làm việc này, liên quan đến ý kiến của ông Đỗ Văn Đạo, ông Đinh La Thăng đã khẳng định vấn đề này TP “không làm máy móc”; việc tách, nhập phải dựa trên cơ sở khoa học, căn cứ pháp luật và đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân.
Tiếp đó, làm việc với Quận ủy Tân Phú vào chiều 28.12, ông Đinh La Thăng cũng khẳng định ý kiến của ông Đỗ Văn Đạo chỉ là ý kiến cá nhân, TP hoàn toàn không hề có chủ trương này.
tin liên quan
Sáp nhập quận, phường: Q.4 nên về quận nào? Nếu có việc sáp nhập thì Q.4 nên về với quận nào cho hợp lý?
Đây là thắc mắc của nhiều người và là một câu hỏi cần được cân nhắc kĩ.
Bình luận (0)