TP.HCM kiến tạo không gian phát triển từ cơ chế mới

16/07/2023 06:19 GMT+7

TP.HCM lên kế hoạch vận dụng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để tạo động lực và những không gian phát triển mới.

Sáng 15.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cùng 2 Phó thủ tướng: Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang.

TP.HCM kiến tạo không gian phát triển từ cơ chế mới  - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai trao đổi với các đại biểu dự hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ của Thành ủy TP.HCM

Khả Hân

Không đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM báo cáo kết quả giữa nhiệm kỳ, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, trong 31 chỉ tiêu thành phần thuộc nhóm kinh tế xã hội có 7 chỉ tiêu khó hoàn thành. Đối với 51 chương trình, đề án thuộc 4 chương trình phát triển thành phố, đến nay có 47 đề án được phê duyệt, trong đó có 5 đề án đã hoàn thành. Hầu hết các đề án được tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, bảo đảm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn trước khi triển khai thực hiện, góp phần giải quyết những điểm nghẽn cấp bách.

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin kinh tế TP.HCM có lúc đạt tăng trưởng 2 con số, cao gấp 1,5 - 1,6 lần bình quân chung cả nước nhưng suy giảm dần trong 10 năm qua và đã "chạm đáy" vào quý 1/2023. Vai trò đầu tàu của thành phố đang giảm dần nhưng có một số tiền đề cho thấy vị trí này có khả năng phục hồi trong giai đoạn mới từ bối cảnh quốc tế và các cơ chế, chính sách vượt trội.

Theo ông Phan Văn Mãi, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM không đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu mà sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: quy hoạch, tái cấu trúc kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học công nghệ, huy động nguồn lực xã hội hóa và giải quyết các tồn đọng.

Cùng ngày (15.7), Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (gọi tắt là ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết 98/2023; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành.

Theo quyết định này, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm Phó trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Phó trưởng ban cùng 11 thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND TP.HCM.

Đối với lĩnh vực quy hoạch, UBND TP.HCM tập trung quy hoạch kinh tế xã hội, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM tạo không gian phát triển mới, nhất là không gian ngầm, không gian sông, biển. TP.HCM xác định phát triển đô thị đa trung tâm với 5 đô thị vệ tinh gồm: TP.Thủ Đức, đô thị sinh thái biển Cần Giờ, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam (H.Bình Chánh) là cửa ngõ với đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc ở 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. "Một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường sắt đô thị với mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng", ông Mãi nói.

Liên quan đến những vụ việc còn tồn đọng, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm như dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỉ đồng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, dự án Safari ở Củ Chi, khu Bình Quới - Thanh Đa...

TP.HCM kiến tạo không gian phát triển từ cơ chế mới  - Ảnh 3.

Ngoài TP.Thủ Đức, TP.HCM sẽ phát triển thêm 4 đô thị vệ tinh ở Cần Giờ, khu Nam, khu Tây Nam và khu Tây Bắc

Nhật Thịnh

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ ĐỦ SỨC "TẢI" CƠ CHẾ

Trao đổi tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai đánh giá dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 nhưng TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ tăng trưởng kinh tế âm 6,78% năm 2021 thì sang năm 2022, tăng trưởng hơn 9%, còn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,5%.

Chuẩn bị sẵn cơ chế để áp dụng từ 1.8

Chiều 15.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá Nghị quyết 98 có tính bao quát, vừa có khả năng tháo gỡ những điểm nghẽn, tồn đọng vừa là bệ phóng giúp TP.HCM phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo đà phát triển với giá trị mới.

Ông Khái nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả nghị quyết cần có giải pháp tổng thể, linh hoạt, sát thực tiễn. TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ các bộ ngành để giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng. Thường trực Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì, cùng UBND TP.HCM và các bộ ngành xây dựng nghị định của Chính phủ theo trình tự thủ tục rút gọn để thực hiện từ 1.8. Các bộ ngành được giao xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các nội dung quy định tại Nghị quyết số 98, hoàn thành trước ngày 1.8.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị UBND TP.HCM cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy định của nghị quyết, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan, đơn vị với các nội dung phù hợp để thực hiện thông suốt. Nghị quyết 98 có số lượng cơ chế rộng, thống nhất và đồng bộ, thẩm quyền rõ, thời hạn dài 5 năm. Do đó, TP.HCM khi tổ chức thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những việc có kết quả, xác định từng mốc thời gian hoàn thành. "Nếu thành công thì không chỉ có tác dụng với TP.HCM mà các cơ chế, chính sách này có thể nhân rộng ra phạm vi cả nước", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, đồng thời cho biết đây là nền tảng để tạo động lực mới đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển vốn có.

Gợi mở định hướng cho nửa nhiệm kỳ còn lại, bà Mai đề nghị Thành ủy TP.HCM tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế, điểm nghẽn, không để ảnh hưởng đến cơ hội phát huy các tiềm năng, thế mạnh vốn có. Bởi lẽ, sự phát triển của thành phố không chỉ cho người dân thành phố mà quan trọng còn góp phần to lớn với sự phát triển đất nước và khu vực Đông Nam bộ. "Cái gì thuộc nội lực thì thành phố tập trung, quyết tâm làm ngay. Cái gì liên quan đến T.Ư thì khẩn trương kiến nghị, phối hợp để có giải pháp thúc đẩy", Thường trực Ban Bí thư đề nghị.

Nhấn mạnh công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", Thường trực Ban Bí thư đề nghị TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị nguồn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ tới. Trong đó, hết sức chú trọng đến cán bộ có phẩm chất tốt, đạo đức trong sáng, có năng lực nổi trội, dám dấn thân, dám hy sinh, nhất là vào những thời điểm khó khăn. "Qua một trận đại dịch, TP.HCM có những cán bộ nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám hành động thì cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bồi dưỡng", Thường trực Ban Bí thư lưu ý.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, TP.HCM rất quan tâm đến công tác cán bộ, đội ngũ thực thi nhiệm vụ. Sắp tới, TP.HCM sẽ kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược cũng như chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận. Đồng thời, chăm lo xây dựng bộ máy chính quyền thành phố xứng tầm, đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra ngày càng lớn...

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu phải sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tiềm lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực. "Sát cánh chứ không phải hỗ trợ", ông Nên nhấn mạnh. Bí thư TP.HCM cũng gợi mở khai thác thế mạnh từ dòng sông Sài Gòn thông qua công tác quy hoạch, xây dựng bờ kè 2 bên để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Song song đó, TP.HCM cũng phải quan tâm đến an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nhà ở xã hội cho người dân, không chỉ hộ khẩu TP.HCM mà còn người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.