Hiệu quả của việc không tổ chức HĐND cấp quận và phường được TP dẫn chứng từ thời gian thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009 - 2016. Theo đó, vào thời điểm này, TP thí điểm trên diện rộng ở 24 quận, huyện và 259 phường.
Sở Nội vụ đánh giá việc thí điểm này phù hợp với điều kiện thực tế của TP và được người dân đồng tình vì giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính.
Sở Nội vụ TP nhận định cơ chế chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch và các phó chủ tịch, ủy viên UBND cấp dưới là phù hợp, góp phần đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới trong hệ thống chính quyền địa phương.
Việc này tạo thuận lợi cho cấp ủy và UBND cấp trên lựa chọn, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ và đề cao trách nhiệm của cán bộ được bổ nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
So với việc đưa ra để HĐND cùng cấp bầu thì việc thực hiện cơ chế bổ nhiệm chỉ định có thời gian nhanh hơn, hạn chế được tâm lý điều hành theo nhiệm kỳ, tạo sự tự tin, động lực cho cán bộ được bổ nhiệm.
Một lý do khác được Sở Nội vụ TP.HCM đưa ra là việc thí điểm không tổ chức HĐND giúp tổ chức chính quyền địa phương gọn nhẹ, góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm phần ngân sách chi cho hoạt động của HĐND quận, phường.
Cơ quan hành chính ở quận, phường sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách ở cơ sở, nhất là các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Về vai trò giám sát của HĐND cấp quận và phường, Sở Nội vụ cho rằng hoạt động giám sát của người dân có thể thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể.
Bình luận (0)