Theo đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết do kinh tế khó khăn, nhiều người dân không có công việc ổn định, hoàn cảnh khó khăn "chăn dắt" trẻ em xin ăn ở gần cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng dầu, chợ...
Ông Trần Quốc Dũng nhận định thách thức trong công tác xử lý là nhiều cha mẹ có hành vi hướng dẫn trẻ em đối phó lực lượng chức năng như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su...
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tiếp nhận 1.314 trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Nhiều người lang thang, xin ăn giả dạng hoặc hoạt động về đêm để đối phó
Về trường hợp cha mẹ để con ra đường ăn xin, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cha mẹ. Vì vậy, tùy vào mức độ vi phạm quyền trẻ em có thể bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, nộp lại số tiền thu lợi bất chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sở LĐ-TB-XH cho biết phân loại, xử lý trường hợp ăn xin, chăn dắt xin ăn theo từng nhóm.
Cụ thể, với người có sức khỏe yếu, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tâm thần, hành vi quá khích, tổ công tác lập biên bản và đưa đến bệnh viện tuyến quận, huyện ở TP.Thủ Đức thăm khám và hỗ trợ điều trị.
Với người mắc bệnh truyền nhiễm, tổ công tác đưa đến Khu điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) hoặc Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước) để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tương tự, Công an TP.HCM cho biết đã lập danh sách quản lý 8 trường hợp thuộc diện nghi vấn “chăn dắt”.
Đồng thời, Công an TP.HCM phối hợp Sở LĐ-TB-XH quản lý 143 người nước ngoài xin ăn, trong đó xử lý 83 trường hợp (trục xuất 37 trường hợp trên 16 tuổi, bàn giao 46 trường hợp dưới 16 tuổi cho Campuchia).
Qua xử lý, Công an TP.HCM nhận thấy phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già có hoàn cảnh khó khăn sống tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam đã lợi dụng Hiệp định chung về quy chế biên giới giữa Việt Nam - Campuchia để dễ dàng nhập cảnh trở lại qua các cửa khẩu hoặc qua các đường tiểu ngạch dù trước đó đã bị trục xuất.
Bình luận (0)