TP.HCM: Mổ khẩn cấp cứu bé sơ sinh 4 ngày tuổi bị viêm ruột hoại tử

Duy Tính
Duy Tính
03/09/2024 14:50 GMT+7

Bé sinh non lúc 36 tuần, nhẹ cân và bị viêm ruột hoại tử đe dọa tính mạng, đã được y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 mổ cấp cứu vào ngày 1.9.

Ngày 3.9, TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã phẫu thuật khẩn cấp để cứu bé trai sơ sinh 4 ngày tuổi bị viêm ruột hoại tử.

Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch, trước đó ngày 1.9, bệnh nhi được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 khi vừa 4 ngày tuổi, sinh non 36 tuần, cân nặng 2,4 kg. Bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi thủng tạng rỗng, viêm ruột hoại tử.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy, nhiễm trùng nặng. Kết quả chụp X-quang cho thấy có nhiều hơi trong thành ruột nên chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

TP.HCM: Mổ khẩn cấp cứu bé sơ sinh 4 ngày tuổi bị viêm ruột hoại tử- Ảnh 1.

Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã ổn định

ẢNH: NGỌC THẠCH

BS Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (phẫu thuật viên chính cho bệnh nhi) cũng cho biết, kết quả phẫu thuật ghi nhận 20 cm đoạn cuối ruột non và 10 cm đầu ruột già của bệnh nhi bị viêm hoại tử thủng. Các đoạn ruột còn lại viêm. Bác sĩ cắt bỏ đoạn ruột hoại tử làm hậu môn tạm. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi dần ổn định, mọi sinh hiệu trở về bình thường.

Theo BS Hiền, đây là trường hợp nặng vì bé sinh non tháng nhẹ cân, nhiễm trùng nặng, ruột viêm hoại tử nhiều. Do bé có khả năng đang nhiễm HIV nên được phẫu thuật tại phòng mổ dành riêng cho các bé có bệnh truyền nhiễm, quy trình xử lý chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt tránh lây nhiễm.

Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch thông tin thêm, viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh non, cân nặng thấp, Bệnh liên quan tới nhiều vấn đề: nuôi dưỡng đường ruột, trẻ suy hô hấp kéo dài, giảm lưu lượng máu ở hệ thống tạng (ngạt, đa hồng cầu), bệnh nhiễm trùng.

Triệu chứng viêm ruột hoại tử thường gặp như: nôn trớ, phân lỏng, chướng bụng, dịch dạ dày xanh, thành bụng cứng, đổi màu xanh hoặc nề nỏ (gợi ý thủng ruột), đi tiêu phân máu

Các dấu hiệu toàn thân không đặc hiệu cũng có thể xuất hiện, bao gồm: ngưng thở hoặc suy hô hấp, li bì, rối loạn thân nhiệt (sốt hoặc hạ thân nhiệt), nhịp tim giảm, tụt huyết áp do sốc nhiễm khuẩn

Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị suy hô hấp và suy tuần hoàn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

"Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nặng, nguy hiểm cần điều trị đúng và kịp thời, kết hợp chặt chẽ giữa nội nhi và ngoại nhi để mang lại kết quả tốt nhất. Bệnh viện có khoa Sơ sinh và khoa Hồi sức sơ sinh chuyên điều trị viêm ruột hoại tử, cùng đội ngũ bác sĩ phẫu thuật sơ sinh chuyên mổ viêm ruột hoại tử", TS-BS Phạm Ngọc Thạch nói.

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận hơn 15 ca viêm ruột hoại tử phải phẫu thuật cấp cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.