TP.HCM 'mổ xẻ' loạt cơ chế đặc thù còn nằm trên giấy

27/08/2024 19:08 GMT+7

Nhiều cơ chế đặc thù ở TP.HCM vẫn chưa triển khai do ràng buộc với cơ quan Trung ương, quy hoạch chưa phù hợp, thể chế chưa thay đổi kịp nhu cầu nhà đầu tư.

Chiều 27.8, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Thành ủy TP.HCM tổ chức phiên họp đánh giá kết quả hơn 1 năm triển khai nghị quyết.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong số 44 cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép, đến nay có 30 cơ chế đã áp dụng, 2 cơ chế đang chờ bộ ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do có quy định mới, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng, 7 cơ chế TP.HCM đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Ông Hoan đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 98/2023 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc và xung lực bứt phá quan trọng để phát triển thành phố nhanh, mạnh, bền vững.

TP.HCM 'mổ xẻ' loạt cơ chế đặc thù còn nằm trên giấy- Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo kết quả 1 năm thực hiện các cơ chế đặc thù

NGUYÊN VŨ

Về hạn chế, ông Hoan nhìn nhận tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách đặc thù còn chậm như chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Chưa thu hút được nhiều nguồn lực bên ngoài

Tại phiên họp, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc triển khai cơ chế đặc thù, đặc biệt là huy động nguồn lực. Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM nói rằng bản nghị quyết được kỳ vọng rất nhiều nhưng kết quả đạt được sau 1 năm vẫn còn khiêm tốn. Điển hình như cơ chế giao quyền cho HĐND TP.HCM chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha nhưng mới chỉ thực hiện được 1 dự án, diện tích 0,04 ha.

Trung tướng Nam chia sẻ thêm, khi gặp gỡ đảng viên ở các chi bộ, mối quan tâm hàng đầu vẫn là câu chuyện triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đến đâu.

TP.HCM 'mổ xẻ' loạt cơ chế đặc thù còn nằm trên giấy- Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận định kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn

NGUYÊN VŨ

Đối với danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đến nay chưa có dự án nào triển khai, nguyên nhân chính đến từ sự chậm trễ của các sở ngành và địa phương.

Riêng các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), ông Mãi cho biết đã có nghiên cứu tiền khả thi, trong tháng 9.2024 sẽ tiếp xúc nhà đầu tư, có thể khởi công vào năm 2025. Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận việc cập nhật các dự án mới đang khiến nhiều sở ngành quá tải trong công tác chuẩn bị.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, ông Mãi cho biết việc ban hành danh mục dự án và các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược bị vướng, một phần vì Nghị định 84/2024 của Chính phủ ban hành chậm. Đến nay, dù có nghị định nhưng vẫn bị ràng buộc điều kiện trước khi trình HĐND TP.HCM phải báo cáo, hiệp thương với Bộ KH-ĐT.

TP.HCM 'mổ xẻ' loạt cơ chế đặc thù còn nằm trên giấy- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết địa phương sắp tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án PPP

NGUYÊN VŨ

Chủ tịch TP.HCM cho rằng cần phải gỡ được vấn đề này thì mới bàn tiếp việc thu hút nhà đầu tư cho dự án cảng trung chuyển Cần Giờ và các dự án trong Khu Công nghệ cao. Về phát triển đô thị theo mô hình TOD, hiện TP.HCM đã thống nhất 7 vị trí, sắp tới sẽ điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tổ chức đấu thầu để vừa thu được tiền sử dụng đất vừa thu hút đầu tư với tổng giá trị khoảng 100.000 tỉ đồng.

Lý giải cho việc huy động nguồn lực chưa như kỳ vọng, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết dù có cơ chế, chính sách nhưng chưa thực hiện được vì quy hoạch chưa phù hợp. Hiện TP.HCM đang thực hiện 2 đồ án quy hoạch gồm điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch kinh tế - xã hội.

Ông Vũ nhìn nhận sự chuyển động của thể chế còn chậm, phối hợp trong nội bộ các cơ quan của TP.HCM và giữa TP.HCM với các bộ ngành vẫn chưa thông suốt.

"Đối với nhà đầu tư chiến lược, với thể chế như vậy thì họ tới rồi chắc chắn họ cũng sẽ đi thôi. Mình không đáp ứng được những chuyển động nhanh", TS Vũ nói, đồng thời dẫn chứng mới đây chính phủ Đức hỗ trợ nhà đầu tư 30% khi làm dự án bán dẫn trị giá 10 tỉ USD vì họ thấy đó là dự án quan trọng.

Kinh tế tăng trưởng nhờ sự trợ lực từ Nghị quyết 98

Trong phần phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ việc triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội có những cơ chế thấy được ngay kết quả nhưng có những thứ cần thời gian để thực hiện. Với 33 cơ chế đặc thù đã và đang triển khai, TP.HCM đã khơi thông nhiều điểm nghẽn, tạo nền tảng cho những kế hoạch chiến lược cho trung hạn và dài hạn.

Những kết quả thấy rõ nhất theo Bí thư Nguyễn Văn Nên đó là chi nguồn vốn đảm bảo an sinh xã hội, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đề án cho trung và dài hạn.

"Việc chi thu nhập tăng thêm giúp cán bộ, công chức thấy được quan tâm hơn, tập trung hơn, yên tâm hơn và năng động hơn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Không chỉ hệ thống chính trị của TP.HCM mà còn nhiều cơ quan đứng chân trên địa bàn", ông Nên đánh giá.

TP.HCM 'mổ xẻ' loạt cơ chế đặc thù còn nằm trên giấy- Ảnh 4.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội giúp TP.HCM tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

NGUYÊN VŨ

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh đội ngũ nhân sự thực hiện không tăng thêm, nhiều người phải làm việc gấp đôi. Những nỗ lực đó giúp TP.HCM đạt chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách, ổn định kinh tế, an sinh xã hội, làm nền tảng ấp ủ những đề án lớn.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng chỉ ra một số việc còn chậm, lúng túng trong triển khai, vướng mắc trong phối hợp, biểu hiện cầu toàn, do dự, sợ rủi ro, ở nhiều khâu có nhiều cán bộ đang bị quá tải, thụ động. Do vậy, ông đề nghị cần xem lại từng khâu giao việc gắn với kiểm tra, nhắc nhở các bộ phận, cán bộ chưa làm tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.