Trong ngày đầu thực hiện, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM trực tiếp giám sát tại 2 nhà máy ở huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Tại thời điểm giám sát, thông báo sơ bộ từ nhà máy An Hạ (Củ Chi) cho biết lượng heo đưa về nhà máy đạt khoảng 2.000 con. Dù chấp nhận giảm giá mạnh để đưa chi phí giết mổ bằng mức thủ công nhưng đây vẫn là con số ngoài dự kiến của chủ đầu tư. Còn tại nhà máy Hóc Môn, lượng heo về khoảng 1.500 con, chi phí giết một cũng ngang bằng giá giết mổ thủ công.
Theo Sở NN-PTNT, mỗi ngày người dân TP tiêu thụ khoảng 10.000 - 11.000 con heo. Trong số này từ 5.000 - 6.000 con được giết mổ tại TP.HCM, phần còn lại là thịt heo mảnh nhập từ các địa phương khác và thịt đông lạnh.
Ông Đinh Minh Hiệp kỳ vọng, với sức tiêu thụ lớn, nếu các chủ đầu tư nhà máy hoạt động tốt sẽ hút được thêm thương lái mang heo từ các tỉnh thành về thành phố giết mổ và tiêu thụ. Thực tế, công suất giết mổ của 5 nhà máy công nghiệp tại thành phố cao hơn sức tiêu thụ sản phẩm thịt. Thế nên, để vận hành hết công suất và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, Sở đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT áp dụng tiêu chuẩn thịt mát bắt buộc thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay. Nếu được chấp thuận, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và công tác quản lý trên địa bàn.
Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết: Ngày 1.4, nhà máy An Hạ đạt 2.104 con, nhà máy Hóc Môn 2.096 con, Lộc An 930 con... Tổng số 5 nhà máy giết mổ heo công nghiệp tại TP.HCM đạt sản lượng 5.623 con, tăng gần 64% so với ngày trước đó.
Đáng chú ý, trước giờ đóng cửa (12 giờ ngày 31.3.2023) giết mổ thủ công có 2 cơ sở giết mổ thủ công là Tân Phú Trung (Củ Chi) và Phước Kiển (Nhà Bè) đã tranh thủ mổ được 312 con heo. Đây cũng là số heo môt thủ công hợp pháp trước khi đóng cửa hoàn toàn.
Bình luận (0)