Chấm dứt giết mổ thủ công ở TP.HCM

Chí Nhân
Chí Nhân
01/04/2023 07:15 GMT+7

Từ hôm nay (1.4), trên địa bàn TP.HCM chỉ cho phép các cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động nhằm tăng cường quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, số thương lái tham gia giết mổ công nghiệp còn ít nên nguy cơ giết mổ thủ công chuyển về các tỉnh lân cận rồi vận chuyển ngược thịt về TP.HCM tiêu thụ là rất lớn.

Theo Quyết định 231 ngày 18.1 của UBND TP.HCM, 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công tại TP.HCM chỉ được hoạt động đến ngày 31.3, ngoại trừ cơ sở giết mổ thủ công Trung Tuyến (H.Cần Giờ), công suất 15 con/ngày phục vụ người dân trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động. Tám cơ sở nói trên có tổng sản lượng giết mổ khoảng 5.000 con/ngày. Trong đó, cơ sở Xuyên Á (1.700 - 1.850 con/ngày), các điểm còn lại số lượng 45 - 750 con/ngày.

Gánh lỗ 50% để đưa giết mổ thủ công vào lò hiện đại

Để thực hiện chủ trương của TP, chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á đã đầu tư Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ (thuộc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ) tại xã Tân Phú Trung (H.Củ Chi). Nhà máy có vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng với 6 dây chuyền nhập khẩu từ Brazil; các thiết bị chính được sản xuất từ châu Âu, Mỹ và Nhật; quy trình giết mổ được quản lý theo tiêu chuẩn HACCP… Công suất giết mổ mỗi dây chuyền 120 con heo/giờ, công suất pha lóc 900 con heo/ngày.

Chấm dứt giết mổ thủ công ở TP.HCM  - Ảnh 1.

Giết mổ công nghiệp chấp nhận lỗ để chống ế

CTV

Ngày 28.3, ông Lê Văn Thành, quản lý Nhà máy An Hạ, cho biết: Từ ngày 1.3, nhà máy đã cho vận hành thử nghiệm và tập huấn quy trình giết mổ mới để sẵn sàng đưa vào hoạt động từ ngày 1.4 theo quy định của TP. Tuy nhiên dù cận ngày chuyển đổi mà số thương lái đăng ký chuyển từ thủ công sang công nghiệp chưa đến 1/3 sản lượng giết mổ thủ công hiện tại. Lý do nhiều thương lái đã có kế hoạch "dạt" về các địa phương lân cận giết mổ rồi vận chuyển thịt ngược về TP.HCM tiêu thụ. 

"Thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng thương lái đưa heo về H.Đức Hòa (Long An) giết mổ ở các lò thủ công. Điều này dẫn tới một nghịch lý là TP.HCM đóng cửa tất cả cơ sở giết mổ thủ công nhưng lại tiếp nhận thịt heo từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận đưa về tiêu thụ", ông Thành lo lắng.

Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp quan tâm. Đại diện một doanh nghiệp phân tích vì TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước thực hiện chủ trương này trong khi các tỉnh thành khác vẫn còn giết mổ thủ công. Trong khi chúng ta không có quy định cấm sản phẩm thịt giết mổ thủ công đưa vào TP, rồi chi phí giết mổ công nghiệp hiện nay cao hơn thủ công nên khả năng giết mổ thủ công chuyển dịch ra các tỉnh lân cận rồi chảy ngược thịt trở lại là rất lớn. Vì thế trong giai đoạn đầu TP có thể cân nhắc việc trợ giá cho giết mổ công nghiệp để giải quyết tình trạng này.

Chúng tôi cũng hy vọng TP sẽ có giải pháp tăng cường quản lý cũng như hợp tác với các địa phương lân cận về việc phát triển giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ

Theo tính toán của Nhà máy An Hạ, với số lượng thương lái đưa heo vào mổ chỉ đạt 1/3 công suất thiết kế, ước tính chi phí đầu tư và vận hành trên mỗi con heo từ 100.000 - 120.000 đồng. Nhưng nếu toàn bộ thương lái tham gia thì chi phí vận hành trên mỗi đầu con heo sẽ giảm xuống. Cập nhật tình hình đến hôm qua 31.3, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, thừa nhận cũng chưa biết đến sắp tới thương lái có mang heo về cơ sở mới hay không. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương của TP và đảm bảo quyền lợi của thương lái, công ty quyết định tạm thời chất nhận lỗ, giảm giá về mức 50.000 đồng/con, bằng với giết mổ thủ công. "Chúng tôi cũng hy vọng TP sẽ có giải pháp tăng cường quản lý cũng như hợp tác với các địa phương lân cận về việc phát triển giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm", bà Thắm đề xuất.

Tăng cường kiểm soát thịt heo ngoại tỉnh

Trên thực tế, vấn đề các thương lái "dạt" về các tỉnh giết mổ rồi đưa thịt ngược về TP cũng là mối quan tâm của các cơ quan quản lý ở TP.HCM. Cuối năm 2022, trong những lần làm việc với các đoàn giám sát an toàn thực phẩm của Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng đã nêu thực trạng này và kiến nghị Bộ cần có chính sách đồng bộ về công tác quản lý an toàn thực phẩm, cũng như chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết thời gian qua, Sở đã tổ chức làm việc với các thương lái, chủ cơ sở và chủ gia công giết mổ để tuyên truyền vận động họ thực hiện nghiêm chủ trương của TP. Bên cạnh đó, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp cũng có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ gia công được tiếp cận và đăng ký, tham gia giết mổ tại các nhà máy.

Sở cũng đã triển khai các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, chốt chặn, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, giết mổ động vật trái phép trên địa bàn, nhất là các khu vực giáp ranh, khu vực có cơ sở giết mổ gia súc thủ công sau khi hết thời gian gia hạn hoạt động. Tại các cửa ngõ ra vào TP, các đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP không đúng quy định. "Những sản phẩm thịt heo từ ngoài tỉnh đưa vào TP phải đảm bảo tất cả quy định về kiểm dịch thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới lưu thông tại các hệ thống phân phối", ông Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, thời gian đầu khi chuyển đổi từ giết mổ thủ công sang công nghiệp sẽ không tránh khỏi những bất cập trong sản xuất, kinh doanh. Việc các cơ sở thủ công trên địa bàn đóng cửa và các nhà máy giết mổ hiện đại đi vào vận hành đã là thành công bước đầu. Một số thương lái chưa đưa heo vào giết mổ tại các nhà máy công nghiệp do còn nghi ngại như chi phí cao, quầy thịt không đẹp, không được giám sát trực tiếp các công đoạn giết mổ... nhưng số này không nhiều. 

"TP là đầu nối tiêu thụ, việc đưa heo về TP là lợi thế nên các thương lái sẽ sớm tham gia vào quy trình giết mổ công nghiệp. Ngoài ra, các chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp cũng đã có những chính sách hỗ trợ ban đầu nhằm tạo điều kiện cho các thương lái đưa gia súc vào giết mổ như: giảm giá chi phí giết mổ, cho phép chủ gia súc tham quan, giám sát việc thực hiện giết mổ tại nhà máy; đến khi công suất giết mổ tăng lên thì chi phí sẽ giảm, khi đó càng thu hút lượng heo từ các tỉnh đưa về", ông Hiệp tự tin. 

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM ngoài Nhà máy An Hạ còn có các đơn vị giết mổ công nghiệp khác như: Vissan (Q.Bình Thạnh), Sagri, Lộc An (H.Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Những nhà máy này đảm bảo đủ công suất giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt của TP. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người trong ngành việc thương lái chuyển về các địa phương ngoài lý do giá thành giết mổ còn có nguyên nhân việc quản lý an toàn thực phẩm, kiểm dịch ở các địa phương "thông thoáng" hơn. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý thịt nhập từ các tỉnh vào TP là vấn đề quan trọng trong việc chuyển đổi từ giết mổ thủ công sang công nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.