TP.HCM: Người đàn ông mắc hội chứng tự sinh kháng thể, gây yếu tứ chi, nói đớ

Lê Cầm
Lê Cầm
06/08/2023 13:48 GMT+7

Nam bệnh nhân Đ.Q.C, 42 tuổi (ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức trong tình trạng yếu tứ chi, nói đớ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân C. mắc hội chứng tự sinh kháng thể hiếm gặp, gây tổn thương dây thần kinh.

Yếu tay chân, mắt không nhắm kín

Bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Văn Thoại, chuyên khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM), cho biết qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước khi có triệu chứng yếu tứ chi và nói đớ khoảng 2 tuần, bệnh nhân có bị sốt, ho, sổ mũi, test kết quả dương tính với Covid-19.

Cách nhập viện 10 ngày, bệnh nhân thấy yếu 2 tay, 2 chân kèm theo tê bì bàn tay bàn chân, cảm giác há miệng khó và nói đớ, 2 mắt nhắm không kín. Bệnh nhân đã tới một vài bệnh viện khám và điều trị nhưng không giảm, tình trạng bệnh nặng hơn. Sau đó, bệnh nhân tới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức khám và được nhập vào khoa Nội thần kinh để điều trị.

Tại khoa Nội thần kinh, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám lâm sàng, ghi nhận yếu tứ chi dẫn tới đi lại khó khăn cần có người hỗ trợ, đồng thời mất cảm giác bàn tay, bàn chân và mất phản xạ gân xương tứ chi; nói đớ, giọng nói khó nghe; 2 mắt nhắm không kín; ăn uống cảm giác khó tiêu.

TP.HCM: Người đàn ông mắc hội chứng dư thừa kháng thể làm tổn thương dây thần kinh - Ảnh 1.

Bệnh nhân hồi phục sau quá trình thay huyết tương

N.M

Bên cạnh thăm khám lâm sàng, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy và đo điện cơ tứ chi, tiến hành hội chẩn và thống nhất chẩn đoán Hội chứng Guillain-Barre thể Amsan.

Hội chứng Guillain-Barre là bệnh do cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại những virus xâm nhập vào cơ thể nhưng có tình trạng dư thừa kháng thể dẫn tới làm tổn thương các dây và rễ thần kinh trong cơ thể.

Thay huyết tương giúp bệnh nhân phục hồi

Bệnh nhân có chỉ định thay huyết tương bằng Albumin hoặc huyết thanh tươi đông lạnh tổng cộng 5 lần. Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh cho bệnh nhân và người nhà về việc cần thiết phải thay huyết tương, đây là giải pháp cuối cùng để phục hồi cho bệnh nhân.

Sau khi thay huyết tương lần 1, tình trạng bệnh nhân có chuyển biến tốt, giảm tình trạng nói đớ, có thể tự đi lại mà không cần người hỗ trợ, giảm tình trạng tê tay, tê chân.

Hiện tại, sau khi thay xong huyết tương lần 4, bệnh nhân đã nói chuyện được bình thường, tự đi lại tốt hơn, giảm gần như hoàn toàn tình trạng tê 2 tay, 2 chân, đồng thời bệnh nhân đã có thể làm các động tác như cài cúc áo, dùng đũa ăn cơm, đánh răng...; 2 mắt nhắm kín gần như hoàn toàn.

Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được thay huyết tương lần 5 theo phác đồ điều trị và sẽ xuất viện sau đó.

Phương pháp điều trị thay huyết tương trên bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng Guillain-Barre thể Amsan là một phương pháp hiện đại. Đây là biện pháp tối ưu nhất để giúp bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mà không để lại di chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.