TP.HCM: Người dân vẫn ám ảnh vì bị rác 'bủa vây'

18/05/2018 14:05 GMT+7

Rác thải được tập kết trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM khiến người dân bị ám ảnh. Chưa kể, TP.HCM phải 'gánh' thêm rác lậu...

Sáng 18.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp sơ kết việc thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
Phát biểu tại buổi sơ kết, lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành TP.HCM đều cho rằng rác thải sinh hoạt, rác thải vẫn đang xả bừa bãi mỗi ngày, gây áp lực lớn cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác, xử lý mùi hôi của các đơn vị vệ sinh môi trường đô thị.
Đại diện từ Q.4, Q.Tân Bình, Q.3, Q.1 phản ánh nhiều trường hợp rác tràn ra đường, tràn xuống kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, bốc mùi, ô nhiễm tại các khu dân cư, nhưng hiện tại chưa tìm ra cách giải quyết triệt để.
UBND Q.4 nêu ý kiến về việc rác thải được tập kết trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM khiến người dân... ám ảnh. Nhiều lúc rác đã vận chuyển đi nhưng mùi hôi vẫn "còn lại" khiến ô nhiễm cả khu vực, đặc biệt là những đợt có gió mùa. Vì vậy, đại diện Q.4 đề nghị dời trạm trung chuyển rác ra khỏi khu dân cư, chuyển về Đa Phước.
Ông Huỳnh Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM, cho rằng hiện nay do chưa có sự quản lý thống nhất về hệ thống xử lý rác nên tình trạng ô nhiễm rác thải ở TP.HCM vẫn gây nhức nhối. Thực tế, theo ông Nhật, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa khâu thu gom rác dân lập và các công ty dịch vụ công ích quận huyện, Công ty môi trường đô thị TP.HCM.
Rác thải trên lề đường Hồng Hà (khu vực công viên Gia Định, Q.Gò Vấp, TP.HCM, ảnh chụp vào ngày 23.1) Ảnh: Đức Tiến
"Ngoài ra, TP.HCM phải gồng mình 'gánh' thêm rác lậu của các nhóm đầu nậu, thu gom rác ở các tỉnh đưa về TP.HCM, địa phương biết nhưng không làm được gì. Việc triển khai phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả cao", ông Nhật nói thêm.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM mỗi ngày phát sinh khoảng 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, khoảng 350 - 400 tấn/ngày chất thải nguy hại, khoảng 21,4 tấn/ngày chất thải y tế nguy hại.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP.HCM đang xây dựng một thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nhưng ý thức của người dân vẫn còn kém, khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài.
Ông Phong chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM lưu ý những địa chỉ còn ô nhiễm, còn tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh rạch, từ đó có giải pháp cụ thể để thu gom, phân loại triệt để, nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.HCM.
Q.2 tịch thu xe rác dân lập không đạt vệ sinh từ 1.6
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó chủ tịch UBND Q.2(TP.HCM), cho biết trên địa bàn Q.2 có 27 cơ sở thu gom rác dân lập. Qua tuyên truyền vận động, chính quyền Q.2 đã giúp các cơ sở này chuyển đổi phương tiện thu gom hiện đại hơn, giảm phát sinh ô nhiễm trong quá trình vận chuyển. Q.2 cũng kiên quyết từ ngày 1.6 sẽ tịch thu các xe rác dân lập không đạt vệ sinh.
Tuy nhiên, ông Khiết cho rằng nhiều chủ cơ sở thu gom rác dân lập cũng thuộc diện khó khăn nên TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ để họ cải tiến, đổi mới phương tiện thu gom rác.
264 cơ sở công nghiệp chưa xử lý nước thải
Sau 2,5 năm triển khai chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020., TP.HCM có 2.501 cơ sở công nghiệp đã thực hiện xử lý nước thải trên tổng số 2.765 cơ sở công nghiệp hiện đang hoạt động sản xuất bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất khu công nghiệp, khu chế xuất khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải, đạt tỷ lệ 90,5%.
Còn khoảng 264 cơ sở công nghiệp chưa xử lý nước thải, đạt tỷ lệ 9,5%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.