TP.HCM nóng như 'chảo lửa'

Chí Nhân
Chí Nhân
29/04/2024 05:59 GMT+7

Chưa đến 6 giờ sáng đã thấy ánh mặt trời, đến gần 6 giờ chiều nắng mới dịu bớt. Giữa trưa, nhiệt độ cảm nhận lên đến 44 - 45 độ C. Nhiều người dân ở TP.HCM liên tưởng mức độ nóng như đang trên chảo lửa. Thế nhưng "chảo lửa" ấy còn chưa tới đỉnh điểm khi ngày 1.5 được dự báo là ngày nhiệt độ lên cao nhất ở TP.HCM.

Nắng nóng tiếp tục tăng

Không đi du lịch kỳ nghỉ lễ, chị Minh An ngụ Q.7 tranh thủ thức dậy lúc 5 giờ sáng để tập thể dục. Tuy nhiên, ngay cả thời điểm ấy chị vẫn thấy cảm giác nóng bức đến khó chịu. "Mới chạy bộ được hơn 15 phút mồ hôi đã ướt hết áo. Chưa đến 6 giờ sáng đã thấy những tia nắng đầu tiên xuất hiện. Cảm giác rất mệt nên tôi phải kết thúc buổi tập sớm hơn kế hoạch. Sau đó, tôi tranh thủ đi chợ sớm và ở nhà trốn nắng suốt cả ngày. Nhà tôi ở trên tầng cao chung cư nên cảm giác nắng nóng càng gay gắt, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy nắng thôi cũng đã hoa mắt. Nắng nóng đến gần 6 giờ chiều vẫn chưa tắt. Một ngày nắng suốt 12 tiếng đồng hồ, nên thực sự rất khủng khiếp", chị An than thở.

Người dân đi nghỉ lễ và trốn nóng khiến đường phố TP.HCM vắng vẻ bất thường

Người dân đi nghỉ lễ và trốn nóng khiến đường phố TP.HCM vắng vẻ bất thường

Ảnh: Nguyên Nga

Trong khi đó, anh Đức Hùng ngụ Q.10 chia sẻ cảm nhận rõ ràng trong khoảng nửa tháng qua, nắng mỗi ngày một tăng. Do khắp nơi nắng nóng gay gắt nên lễ này anh chẳng dám đi du lịch mà chọn ở nhà "cố thủ". Không ngờ vẫn không "trốn" được nóng khi mới khoảng 10 giờ nhiệt độ đã lên tới 34 độ C còn nhiệt độ cảm nhận từ ứng dụng trên điện thoại báo tới 39 - 40 độ C. "Mấy hôm nay nghỉ lễ, ở nhà phải mở máy lạnh 24/24 mới chịu đựng được, xong lễ chắc tiền điện cao ngất", anh than thở.

Theo các bản tin thời tiết, nhiệt độ ở TP.HCM chỉ khoảng 37 độ C, chưa phải là nơi nóng nhất ở Nam bộ. Nơi có nhiệt độ cao nhất là Đồng Phú (Bình Phước) 40,2 độ C. Tuy nhiên, TP.HCM lại là nơi có mức nhiệt độ cảm nhận cao nhất cả nước và thường xuyên cao hơn nhiệt độ khí tượng 4 - 6 độ C. Theo dự báo, nhiệt độ của TP.HCM đạt đỉnh lên đến trên 39 độ C trong những ngày cuối tháng 4. Chính vì vậy, nhiệt độ cảm nhận ở thành phố này lên đến 44 - 45 độ C.

Nắng không chịu nổi, tài xế xe công nghệ 'tắt app giấc trưa', làm thêm nhiều việc

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khoảng ngày 30.4, từ ngày 1 - 2.5 nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần. Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

2 ngày nữa, Nam bộ có mưa chuyển mùa

"Nắng mãi rồi cũng phải mưa", câu nói đầy mong chờ của nhiều người dân Nam bộ đã không thành hiện thực khi thời tiết gay gắt đã kéo dài mấy tháng. Câu hỏi bao giờ mưa cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhất là ở thời điểm này, khi mùa mưa theo thông lệ sắp bắt đầu.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tại TP.HCM, nắng nóng gia tăng và đạt đỉnh vào ngày 1.5. Mưa, giông bắt đầu xuất hiện từ ngày 2.5 và kéo dài đến ngày 4.5. Mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng khá khiến nhiệt độ giảm xuống còn 35 độ C.

Ngoài TP.HCM, mưa cũng sẽ xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành Nam bộ từ ngày 30.4 - 7.5. Trong số này, Sóc Trăng là địa phương có mưa nhiều nhất, kéo dài từ 30.4 - 7.5, ngoại trừ ngày 3.5 trời không mưa, nắng nóng. Khu vực bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau và Kiên Giang cũng có mưa từ 30.4 - 4.5, nhiệt độ khu vực này giảm còn 33 - 35 độ C. Tỉnh Hậu Giang mưa chậm hơn 1 ngày, bắt đầu từ ngày 1 - 4.5. Còn ở TP.Cần Thơ và Vĩnh Long, mưa xuất hiện ít hơn, chỉ trong khoảng hai ngày 3 - 4.5.

Ở khu vực miền Đông, tỉnh Đồng Nai có mưa nhiều và kéo dài từ ngày 2 - 6.5, giúp nhiệt độ giảm xuống còn 36 - 37 độ C so với hiện tại 39 - 40 độ C. Các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh mưa cũng bắt đầu từ ngày 2.5 và kết thúc vào ngày 3 hoặc 4.5. Nhiệt độ cao nhất giảm xuống còn khoảng 36 - 38 độ C.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Hiện nay gió tây nam đã xuất hiện ở một số trạm trên đất liền ven biển Nam bộ. Điều này cho thấy dấu hiệu của mùa mưa đang đến rất gần. Chỉ một vài ngày tới, từ đầu tháng 5, mưa chuyển mùa sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở khu vực Nam bộ. Những cơn mưa này và cả cơn mưa hồi giữa tuần qua ở Cần Thơ thật ra là mưa chuyển mùa vì hiện tại mùa nắng nóng còn vài ngày nữa là kết thúc. Giai đoạn nửa đầu tháng 5 là thời kỳ chuyển mùa để bước vào mùa mưa. Mưa trái mùa là khái niệm dùng để chỉ những cơn mưa xảy ra vào giữa mùa khô. Năm nay, do nắng nóng đặc biệt gay gắt nên gần như cả Nam bộ không có trận mưa trái mùa nào được ghi nhận. "Trung tuần tháng 5 mùa mưa ở Nam bộ sẽ bắt đầu từ khu vực bán đảo Cà Mau. Một số nơi mùa mưa bắt đầu muộn hơn như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang vào khoảng 20 - 25.5", bà Lan dự báo. 

Nắng nóng lịch sử

Ngày 27.4, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ghi nhận cả nước có 26 địa điểm nắng nóng trên 41 độ C. Nhiệt độ cao nhất là 43,2 độ C tại Tương Dương (Nghệ An). Thấp hơn một chút là ở Đông Hà (Quảng Trị) 42,9 độ C, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 42,8 độ C, Đồng Hới (Quảng Bình) 42,6 độ C, Hà Tĩnh và TP.Huế cùng 42,4 độ C.

Cơ quan khí tượng cũng lưu ý thêm "nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa". Như vậy có thể thấy, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể lên tới 45 - 46 độ C ở nhiều nơi. Nắng nóng cộng với độ ẩm trong không khí thấp dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn và cháy rừng rất cao. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trong một bản tin công bố ngày 26.4, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết tháng 4 thường là tháng nóng hơn ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Nhưng năm nay, ảnh hưởng của El Nino và biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ lên mức cao hơn.

Cụ thể, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, cơ quan chức năng địa phương đã đưa ra cảnh báo về nhiệt độ cảm nhận ở mức "cực kỳ nguy hiểm". Đồng thời khuyến cáo những người dễ bị tổn thương nên ở trong nhà và uống đủ nước. Tại tỉnh Lampang, nhiệt độ lên tới 44,2 độ C, đang tiệm cận với kỷ lục cũ là 44,6 độ C được ghi nhận vào năm ngoái. Theo thông báo hồi giữa tuần qua của Bộ Y tế Thái Lan, đã có 30 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ cao được ghi nhận kể từ đầu năm nay.

Tại Myanmar, nhiệt độ đã tăng lên 45,9 độ C trong tuần trước và tình trạng nắng nóng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày.

Trong khi đó, theo Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông (MDM), nhiều vùng trong lưu vực sông Mê Kông vẫn đang trải qua tình trạng nắng nóng khắc nghiệt, một số khu vực ở Lào và Campuchia có nhiệt độ cao hơn mức bình thường 7 độ C.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.