Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành quy định các biện pháp tăng cường trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi tắt là cán bộ, công chức) trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Một trong những điểm đáng chú ý của quy định này là định lượng mức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu khi để cấp dưới thuộc phạm vi quản lý sai phạm.
Theo đó, người đứng đầu không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công hoặc để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn thì bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, người đứng đầu bị xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi có một trong 4 trường hợp: để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là ít nghiêm trọng; có từ 2 cán bộ, công chức trở lên bị kỷ luật giáng chức hoặc hạ bậc lương do liên quan trực tiếp đến người đứng đầu; có cán bộ, công chức bị kỷ luật buộc thôi việc; có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận phải khắc phục nhưng không thực hiện khắc phục và chưa đến mức xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Người đứng đầu bị xem xét kỷ luật cảnh cáo nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng; có từ 2 cán bộ, công chức bị buộc thôi việc hoặc có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra; có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Cuối cùng, biện pháp cách chức sẽ được xem xét áp dụng khi người đứng đầu để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng; có từ 3 cán bộ, công chức buộc thôi việc hoặc có từ 2 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra; có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật cách chức.
Người đứng đầu bị kỷ luật với 3 hình thức nêu trên sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công tác khác phù hợp hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
Khen thưởng đặc thù các giải pháp đột phá
Bên cạnh xử lý kỷ luật, UBND TP.HCM cũng quy định việc khen thưởng, khuyến khích phát huy trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Nếu người đứng đầu thực hiện tốt trách nhiệm được phân công sẽ được cấp có thẩm quyền trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng việc khen thưởng các giải pháp đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung, các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với người đứng đầu không cao hơn so với người trực tiếp đề xuất, tham gia xây dựng và triển khai thực hiện thành công đề án.
TP.HCM sẽ xây dựng các chính sách khen thưởng đặc thù để tôn vinh những trường hợp có giải pháp đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung như khen thưởng vượt cấp, vượt bậc, đột xuất đối với giải pháp thực hiện thành công, và khen thưởng đặc biệt, vượt trội những giải pháp đột phá, sáng tạo tiêu biểu trong các lĩnh vực, vấn đề cấp bách, trọng điểm.
3 trường hợp không xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Cũng theo quy định, UBND TP.HCM không xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong 3 trường hợp:
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị xử lý kỷ luật do vi phạm của các thời kỳ, giai đoạn trước hoặc có đủ cơ sở, bằng chứng xác định không liên quan người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đủ cơ sở, bằng chứng chứng minh đã làm mọi biện pháp trong phạm vi thẩm quyền của mình để ngăn chặn hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự phát hiện, xử lý kỷ luật và khắc phục xong hậu quả đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý.
Bình luận (0)