Nơi tăng, nơi giảm
Là một trong những phường đông dân nhất TP.HCM, P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) có dân số khoảng 104.000 người, chia thành 9 khu phố.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết các khu phố, tổ dân phố như "cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương trong triển khai các hoạt động. Những người tham gia khu phố, tổ dân phố hỗ trợ phường và các đoàn thể nhiều công việc như: tổ hòa giải nhân dân, phát thông báo thuế, thống kê nhân khẩu và lao động, thu tiền vận chuyển rác, phối hợp quản lý trật tự xây dựng, đất đai, trật tự lòng lề đường, vận động người dân hiến đất mở hẻm…
6 quận TP.HCM thuộc diện sáp nhập: Cán bộ, trụ sở dôi dư xử lý ra sao?
Tương tự, xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) rộng hơn 1.740 ha, dân số khoảng 150.000 người, chia thành 16 ấp với 290 tổ nhân dân. Tổng số người hoạt động không chuyên trách hơn 780 người, gồm hơn 200 người ở ấp và khoảng 580 người ở các tổ nhân dân. Địa bàn rộng, dân số đông nên khối lượng công việc của những người hoạt động ở ấp, tổ nhân dân khá nhiều, nhưng mức hỗ trợ lại khá thấp, chỉ từ 20-70% lương cơ sở.
Sở Nội vụ TP.HCM cho biết mô hình 2 cấp tổ dân phố và khu phố tại phường, thị trấn và tổ nhân dân, ấp tại xã có từ năm 1985 đến nay. Trong khi đó, các tỉnh thành trên cả nước đều thực hiện mô hình một cấp và lấy tên gọi chung là thôn hoặc tổ dân phố.
Từ năm 2012, các địa phương tạm dừng chia tách dẫn đến nhiều khu phố, ấp có số lượng hộ dân quá lớn, gấp chục lần quy định. Điển hình có 13 khu phố, ấp có trên 3.000 hộ, cao nhất gần 4.700 hộ, tập trung ở Q.7, Q.12, Q.Tân Phú, TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh.
Theo kế hoạch sắp xếp của TP.HCM, sắp tới chỉ còn khu phố (ở phường, thị trấn) và ấp (ở xã). Về quy mô dân số, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên, còn ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên (không quy định diện tích). Đối với các khu phố, ấp đã hoạt động ổn định, ranh địa giới không thay đổi thì có thể vận dụng thấp hơn hoặc lớn hơn quy mô số hộ dân để giữ nguyên. Mỗi khu phố, ấp có 5 chức danh: bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ và bí thư Đoàn thanh niên.
Ở khu vực nội thành, ông Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND P.2 (Q.Phú Nhuận), thông tin phường có 4 khu phố với 48 tổ dân phố, nhân sự hoạt đồng gồm 134 người. Sắp tới, khi chia tách sẽ trở thành 8 khu phố và 40 người hoạt động không chuyên trách, giảm 94 nhân sự. Còn xã Vĩnh Lộc B, dự kiến chia tách từ 16 ấp thành 71 ấp, mỗi ấp có từ 350 đến hơn 800 hộ dân. Nhân sự dự kiến khoảng 355 người, giảm hơn 420 so với hiện nay.
Theo đề án chung, TP.HCM sẽ giảm xuống còn 5.242 khu phố với hơn 26.000 người hoạt động, giảm hơn 38.000 nhân sự.
Phải thuê, mượn trụ sở ?
Việc tinh giản chỉ còn khu phố, ấp giúp TP.HCM cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề. Trong đó, trụ sở hoạt động là vấn đề khiến lãnh đạo phường, xã đông dân "đau đầu" nhất vì tăng thêm hàng chục khu phố, ấp mới. Như xã Vĩnh Lộc B hiện có 16 ấp nhưng chỉ 9 ấp có trụ sở hoạt động, 7 ấp phải thuê nhà dân với diện tích nhỏ hẹp. Lãnh đạo xã Vĩnh Lộc B kiến nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thuê văn phòng ấp mới để đảm bảo nhu cầu hoạt động đối với 55 ấp (tăng thêm) sau khi sắp xếp.
Biểu dương bí thư chi bộ khu phố, ấp tiêu biểu
Ngày 9.9, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị biểu dương 235 bí thư chi bộ khu phố, ấp tiêu biểu cấp thành phố. Trong danh sách cá nhân được tuyên dương, có 69 người tham gia trên 10 năm, 12 người trên 20 năm và 1 người tham gia liên tục suốt 37 năm. Ngoài tôn vinh cấp thành phố, cấp ủy cơ sở cũng biểu dương 2.185 bí thư chi bộ khu phố, ấp, đảng viên tiêu biểu.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá các bí thư chi bộ khu phố, ấp đã có những cống hiến thầm lặng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, vận động người dân. Bí thư chi bộ khu phố, ấp thường là những đảng viên lâu năm, có tuổi cao.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, khu phố, ấp tránh tình trạng rối hơn hay tạo ra những vấn đề phát sinh bất lợi khác.
Để giải quyết nhu cầu trụ sở khi tách 9 khu phố hiện hữu thành 44 khu phố mới, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết giải pháp trước mắt là sử dụng luân phiên trụ sở, đồng thời rà soát một số khu đất công còn trống để đề xuất xây dựng trụ sở làm việc. Riêng với chung cư đông dân, phường thành lập khu phố mới và vận động xã hội hóa, mượn nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi đặt trụ sở, đồng thời mời ban quản lý, ban quản trị tham gia ban điều hành khu phố.
6 quận TP.HCM thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ diện tích, dân số
Là người gắn bó với cơ sở, bà Đinh Thị Ngọc, Bí thư Chi bộ khu phố 1 (P.8, Q.10), nêu khó khăn khi tách thành 2 khu phố dẫn đến số lượng đảng viên ở mỗi khu phố mới không được cân bằng. Lý do, khu phố chia theo địa giới hành chính nên đảng viên khu phố nào thì sinh hoạt ở chi bộ khu phố đó. Ví dụ có khu phố tách ra chỉ có 13 đảng viên, nhưng khu phố khác lại có tới 43 đảng viên. Bà Ngọc cũng lo lắng khối lượng công việc sắp tới sẽ rất nhiều, với 5 chức danh dự kiến sẽ khó đảm đương nổi nên sẽ mời thêm cộng tác viên.
Còn ông Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND P.2 (Q.Phú Nhuận), cho biết mỗi khu phố mới khoảng 500 hộ dân là tương đối cao, dẫn đến áp lực khi bầu chọn được những người có tâm huyết và có khả năng thích ứng với cường độ công việc, đặc biệt có khả năng sử dụng công nghệ thông tin khi tham gia nhiệm vụ ở khu phố.
Làm sao ít gây xáo trộn nhất ?
Hiện TP.HCM vừa sắp xếp khu phố, ấp, vừa phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khiến đa phần người dân có tâm lý lo lắng về sự xáo trộn, thủ tục, giấy tờ...
Tháng 10.2023 sẽ có phương án sắp xếp tổng thể
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, trong tháng 9.2023, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức căn cứ tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính và tình hình thực tế của địa phương xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình cấp ủy xem xét, thống nhất. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ xây dựng phương án tổng thể của TP.HCM trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, thống nhất và gửi Bộ Nội vụ cho ý kiến trong tháng 10.2023.
Trong quý 1/2024, các phường, quận thuộc diện sáp nhập tổ chức lấy ý kiến cử tri, chú trọng công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận; sau đó tổ chức hội nghị phản biện xã hội, hoàn thiện hồ sơ gửi các cơ quan T.Ư thẩm định trong tháng 6.2024.
Đến quý 4/2024, chậm nhất không quá 60 ngày, sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương tổ chức lễ công bố nghị quyết, kiện toàn, sắp xếp xong tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho biết người dân rất quan tâm về vấn đề này, đồng thời mong muốn việc sắp xếp giúp tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhưng không gây phiền hà, xáo trộn cuộc sống người dân. Đối với sắp xếp đơn vị hành chính (cấp huyện, cấp xã), TP.HCM thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2023-2025 và giai đoạn 2 từ 2026-2030. Bà Yến cho rằng cần tính toán phương án sắp xếp cho phù hợp để tránh tình trạng địa phương vừa sắp xếp giai đoạn này xong lại phải tiếp tục sắp xếp.
Liên quan kinh phí hoạt động bộ máy sau khi sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết sở đang tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM nghị quyết về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tham gia hoạt động khu phố, ấp. Dự kiến mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với khu phố, ấp là 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài 5 chức danh nêu trên, người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp được hưởng mức hỗ trợ hằng tháng từ đoàn phí, hội phí, hỗ trợ kinh phí hoạt động và từ các nguồn quỹ khác phù hợp với quy định và thực tiễn TP.HCM.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)