“Mong muốn duy nhất là về quê”
5 năm trước, chị Nguyễn Thị Yến (29 tuổi, quê ở H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp. Chị cùng chồng thuê trọ ở Q.Gò Vấp với mức giá 1,5 triệu đồng/tháng để có chỗ ăn, chỗ ở kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Trước dịch, chị Yến làm công nhân bao bì, cuộc sống vẫn ổn với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. 4 tháng gần đây, dịch Covid-19 bùng phát, chị phải nghỉ làm nên không có thu nhập. Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống chị rơi vào khó khăn. Chị có đăng ký về quê nhưng số lượng có hạn nên đành nhường cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, cố gắng bám trụ lại Sài Gòn.
|
“Không đi làm được, vợ chồng cũng thiếu thốn, ai cũng muốn về quê. Ở lại Sài Gòn, tôi cũng được phường hỗ trợ rau củ, gạo, tiền trọ được nhà chủ bớt 500.000 đồng/tháng nên cố gắng ở lại đến bây giờ”, chị Yến nói.
Vợ chồng chị có một đứa con năm nay 2 tuổi. Mùa dịch, chị chắt bóp mua sữa cho con còn vợ chồng chị ăn uống tiết kiệm. Sau khi biết thông tin TP.HCM dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, chị dự định sẽ về quê sau gần 4 tháng kẹt lại đây.
“Nếu thành phố mở cửa, tôi có mong muốn được về quê vì ở đây quá lâu rồi. Ở quê thấy bình yên hơn nên muốn về. Ở lại công ty chắc bố trí công việc đi làm nhưng có con nhỏ, sợ lây nhiễm nên mong muốn duy nhất là về quê. Bữa giờ tôi cũng nghe thông tin nới lỏng, hỏi các nhà xe nếu chạy lại tôi sẽ đi test Covid-19 để về quê”, chị Yến tâm tình.
|
Chị chia sẻ, 5 năm đi làm ở Sài Gòn, chị chưa bao giờ trải qua khoảng thời gian khó khăn như hiện tại. Gia đình, người thân chị cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm nên chị có thêm tinh thần vượt qua giai đoạn này.
“Tôi mới nghe ngóng vậy nhưng cũng chưa chắc chắn được về quê hay không. Ở lại cũng sợ đi làm vì dịch vẫn chưa hết hẳn, vẫn chỉ mong chờ được về quê nên chưa tính đến chuyện làm gì nếu phải ở lại. Ở quê một thời gian, có thể tôi sẽ tìm công việc khác ở ngoài Bắc, chưa tính chuyện quay lại Sài Gòn vội. Sau này khi cuộc sống bình thường trở lại, tôi sẽ tiếp tục vào Sài Gòn làm”, chị bộc bạch.
Đi làm bù chi phí sinh hoạt lúc giãn cách
Không có ý định về quê như chị Yến, anh Lê Ngọc Cường (38 tuổi, quê ở H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) dự định sẽ đi làm trở lại khi Sài Gòn nới lỏng giãn cách sau ngày 30.9. Anh Cường làm công việc tự do, mùa dịch nghỉ làm anh phải vay mượn bạn bè trả tiền trọ, sống qua ngày.
“Trước tôi đi bán hàng rong, thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng đủ trang trải cuộc sống và gửi về cho vợ chăm 3 đứa con ở nhà. Gần 4 tháng nghỉ làm, ăn uống, tiền trọ vẫn phải trả nên khó khăn lắm. Giờ ăn uống chỉ bằng một phần ba so với trước, không có tiền chi tiêu”, anh Cường nói.
Con lớn của vợ chồng anh năm nay học lớp 6, con thứ 2 học lớp 2, bé út mới 3 tuổi. Anh hy vọng thời gian tới sẽ được đi làm trở lại, kiếm tiền bù vào khoảng thời gian nghỉ dịch và gửi về lo cho con cái học hành ở nhà.
|
“Tôi trụ lại ở đây lâu quá rồi. Nếu thành phố nới lỏng tôi mong được đi làm lại chứ giờ về quê cũng vất vả, tiền không có. Chắc tôi quay lại công việc bán hàng rong như trước đây, đi làm vất vả nhưng dù sao cũng có thu nhập. Hơn nữa kẹt ở đây khó khăn quá nên cũng muốn đi làm bù lại những khoản chi tiêu trong thời gian giãn cách”, anh tâm sự.
Anh Cường cho biết, anh đã vào Sài Gòn làm được hơn 3 năm. Thời gian tới, anh muốn được ở lại đi làm đến cuối năm, nếu ổn sẽ về quê còn không đành tiếp tục ở lại, đón Tết xa nhà.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (24 tuổi, hiện đang ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng mong sau khi thành phố nới lỏng sẽ đi làm trở lại. Dịch bệnh bùng phát nên lương của chị từ công việc văn phòng giảm 50% so với trước đây. Không được ra đường khiến cuộc sống của chị cũng trở nên bức bách.
“3 tháng nghỉ làm, thu nhập của tôi giảm một nửa nhưng so với nhiều lao động tự do khác tôi vẫn có thể sống được. Mùa giãn cách nên gặp khó khăn trong việc mua đồ vì không ra ngoài được, một thời gian dài không được đi đâu. Dự định sau giãn cách, tôi sẽ đi làm lại, hơn nữa nếu về quê ở thời điểm này cũng không biết tỉnh nhà có đón nhận không. Chỉ mong dịch được kiểm soát để yên tâm đi làm trở lại, có tiền lo cuộc sống, gửi về cho mẹ và em ở quê”, chị Mỹ cho hay.
Bình luận (0)