Thông tin này được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trao đổi với báo chí sáng 26.1 nhằm làm rõ hơn mục đích, cách tổ chức vận hành đề án sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.
Ông Lâm khẳng định, ngày 1.1 là ngày mà nghị quyết của HĐND TP.HCM quy định về mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè có hiệu lực chứ không phải là thời điểm các quận, huyện và TP.Thủ Đức thu phí.
"Muốn thu phải tùy theo tuyến đường, đủ điều kiện chứ không phải cứ rộng hơn 3 m thì đè ra kẻ vạch thu phí", ông Lâm nói.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề nghị các địa phương xác định các tuyến đường, đoạn đường, vị trí cụ thể sử dụng vào từng mục đích như để xe tự quản, làm chỗ kinh doanh, làm điểm tập kết vật liệu xây dựng hoặc làm bãi đậu xe có thu phí. Trong đó, những tuyến nào cho phép để tự quản thì làm ngay, công bố công khai để người dân biết, và những tuyến đường này người dân không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
Đồng thời, các quận huyện cũng phải công bố tuyến đường, đoạn đường hoặc từng vị trí được phép kinh doanh, để xe có thu phí. Sau đó, người dân có nhu cầu thì đăng ký, cơ quan quản lý địa phương cấp phép, thu phí thì người dân mới được sử dụng.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP.HCM), cho hay hiện có một số địa phương gửi danh mục tuyến đường đủ điều kiện như: Q.1, Q.3, Q.5, Q.10 và H.Bình Chánh. Sở GTVT cũng đã có ý kiến với từng địa phương để hoàn thiện phương án.
Theo quy trình, ngoài Sở GTVT, các địa phương này còn lấy ý kiến của Công an TP.HCM và Ban An toàn giao thông TP.HCM. Trên cơ sở đó, danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè sẽ được công bố.
Sở GTVT giải thích việc thu phí lòng đường, hè phố ở TP.HCM
Giá giữ xe dưới lòng đường không cao hơn giá trần
Là cơ quan được giao quản lý lòng đường, Sở GTVT TP.HCM cũng đã yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ rà soát, nghiên cứu thí điểm 5 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm bãi đậu xe dưới lòng đường có thu phí.
Ông Trần Quang Lâm cho biết, sau khi có phương án, Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ tổ chức đấu thầu, nguồn thu trung bình mỗi năm khoảng 30 tỉ đồng. Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện có những vị trí nhà nước không tổ chức thu phí nhưng người dân vẫn đậu.
Về mức phí giữ xe, doanh nghiệp trúng thầu chỉ được phép thu theo mức giá của thành phố quy định. Do đó, doanh nghiệp sẽ tính toán ngoài khoản phí nộp ngân sách nhà nước, thì còn chi phí quản lý, nhân viên, lợi nhuận để tính phí giữ xe, và giá này không cao hơn giá trần của TP.HCM quy định.
Sở GTVT sẽ chọn các tuyến đường, khu vực có nhu cầu cao để thí điểm. Việc có thêm bãi đậu xe góp phần giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân ở khu vực trung tâm.
Trong hướng dẫn hồi cuối tháng 12.2023, Sở GTVT thống kê gần 900 tuyến đường trung tâm thuộc 5 khu vực. Ông Ngô Hải Đường cho rằng, việc chia 5 khu vực để tính phí theo bảng giá đất. Trong 5 khu vực này có khoảng 900 tuyến thuộc diện đường trung tâm, có mức phí cao hơn các tuyến đường còn lại do bảng giá đất cao hơn.
Cũng theo ông Đường, trong gần 900 tuyến đường trung tâm vẫn có những tuyến không đủ điều kiện thu phí, và ngoài danh mục này vẫn có thể tổ chức thu phí với đơn giá thấp hơn.
Về việc người dân cho thuê lại vỉa hè, lòng đường để hưởng chênh lệch, ông Đường thông tin, trong đề án, Sở GTVT không đặt vấn đề quản lý việc này do đây là các giao dịch dân sự. Nhà nước chỉ quản lý người đăng ký sử dụng đúng mục đích, nộp phí đầy đủ, đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)