Ngày 13.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch đầu tư công. Đến dự có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
TP.HCM siết chặt kỷ cương, giải quyết vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công
GIẢI NGÂN 49.400 TỈ ĐỒNG
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, thông tin năm 2023, TP.HCM được giao 68.634 tỉ đồng, dự kiến cuối năm giải ngân 49.400 tỉ đồng, cao hơn năm 2022 gần 22.000 tỉ đồng. Trong đợt cao điểm 60 ngày đêm thi đua giải ngân vốn đầu tư công, TP.HCM giải ngân gần 18.400 tỉ đồng thông qua giải quyết vướng mắc, khó khăn của khoảng 100 dự án. Bà Mai đánh giá nhiều công trình, dự án được đầu tư, kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2024, TP.HCM được Thủ tướng giao tổng vốn đầu tư 79.263 tỉ đồng. Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết đã làm việc với các cơ quan, đơn vị để xác định số vốn dự kiến giải ngân năm 2024 của từng cơ quan, hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng.
Về giải ngân vốn bồi thường, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho hay năm 2023, tổng số vốn bồi thường cần giải ngân là gần 28.000 tỉ đồng, hiện số vốn giải ngân đã ra khỏi kho bạc là hơn 27.100 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 97%. Tuy nhiên, số tiền thực chi đến người dân chỉ hơn 18.100 tỉ đồng (67%) do còn vướng thủ tục.
Là địa phương giải ngân 100% vốn đầu tư công (1.640 tỉ đồng), ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết các dự án do địa phương làm trong năm đều là công trình trọng điểm, người dân chờ đợi rất lâu nên quận tập trung làm ngay. Nêu bài học kinh nghiệm, ông Dũng trình bày những cách làm hay như xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, thường xuyên họp giao ban tháo gỡ vướng mắc, chủ động giải quyết những khó khăn thuộc thẩm quyền. Để giải ngân vốn bồi thường, địa phương xây dựng đơn giá bồi thường tiệm cận giá thị trường, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, khi nguồn vốn bồi thường của dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm không sử dụng hết (hơn 220 tỉ đồng), Q.Gò Vấp chủ động kiến nghị điều chuyển sang dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.
THỦ TỤC LÒNG VÒNG
Trong số 22 địa phương, H.Cần Giờ có vốn giải ngân thấp nhất, đến ngày 12.1.2024 chỉ đạt 78% trong tổng số vốn giao khoảng 450 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, nêu bất cập khi dự án đường song hành với đường Rừng Sác và dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Mốc Keo, địa phương không đăng ký nhu cầu vốn trong năm 2023 nhưng vẫn được giao 49 tỉ đồng dẫn đến không thể giải ngân... Một lý do khác được ông Hồng nêu ra là việc điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian, đơn cử như khu dân cư Cá Cháy (xã An Thới Đông), Sở KH-ĐT lấy ý kiến các sở ngành khác cả 4 - 5 tháng vẫn chưa xong.
Đồng tình, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng một dự án đầu tư công liên quan nhiều luật, nhiều đơn vị, tuy nhiên vẫn còn tình trạng sở, ngành chưa quyết liệt giải quyết hồ sơ thuộc thẩm quyền. Một số chủ đầu tư lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương còn sơ sài, làm chậm tiến độ cả quy trình, các dự án chuyển tiếp phải điều chỉnh quy hoạch.
Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trong quá trình thẩm định hồ sơ xây dựng, nhiều dự án có quy hoạch tỷ lệ 1/500 không khớp với quy hoạch 1/2.000 nên không thể phê duyệt. Ông Quân đề nghị cần xem lại năng lực chuyên môn của nhà thầu tư vấn lập hồ sơ chuẩn bị dự án và năng lực tài chính của nhà thầu xây lắp. "Hằng quý, tôi với Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng họp nhà thầu sửa chữa bệnh viện. Họ hứa họp xong ngân hàng sẽ giải ngân nhưng 6 tháng sau hỏi lại cũng chưa thực hiện, bệnh nhân thì bức xúc", ông Quân nói. Đối với các nhà thầu có nhiều sai phạm khiến tiến độ dự án chậm trễ, ông Quân đề nghị cân nhắc việc không cho họ tham gia các dự án tiếp theo.
XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM
Phát biểu giao nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin số lượng dự án giai đoạn 2021 - 2025 lớn, nhiều dự án chuyển tiếp nên mất thời gian điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ. Khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng mất nhiều công sức nhất nên cần phối hợp tốt giữa các ngành, địa phương dưới sự điều phối của Thường trực UBND TP.HCM. Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường số lượng và tập huấn cho lực lượng ban bồi thường. Ông Mãi cho hay sẽ kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tiếp tục phân công các ủy viên phụ trách các dự án lớn, quan trọng.
Về nhiệm vụ cụ thể, ông Mãi cho biết TP.HCM phấn đấu quý 1/2024 giải ngân 10 - 12% tổng vốn được giao, tập trung chi tiền bồi thường đến tận tay người dân. Trong tháng 1.2024, chủ đầu tư phải rà soát toàn bộ dự án được phân công, lên kế hoạch giải ngân cho từng dự án, phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng, đánh giá năng lực nhà thầu để có biện pháp xử lý. "Cố gắng đến ngày 30.6 phải xong mặt bằng, trừ dự án lớn, diện tích rộng, có nhiều người bị tác động, để 6 tháng cuối năm có mặt bằng triển khai", ông Mãi nói.
Về thủ tục đầu tư, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các cơ quan điều hành rút ngắn 30% thời gian xử lý, kịp thời điều chuyển vốn của những dự án hấp thụ kém. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương, lấy tiêu chí đầu tư công vào đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, thậm chí điều chuyển, xử lý trách nhiệm cán bộ.
Không để tái diễn "cuối năm vất vả"
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nói đầu tư công năm 2023 tốn nhiều công sức, giúp đạt được kết quả đáng khích lệ, hoàn thành một số chỉ tiêu chung. Dù vậy, việc phải chờ đến giờ chót mở đợt 100 ngày cao điểm là không ổn và cần khắc phục ngay trong quý 1/2024.
Về công tác phối hợp, Bí thư TP.HCM đánh giá việc này có 2 mặt. Nếu phân công, giao việc rạch ròi, cụ thể và kiểm tra, giám sát, nhìn thấy rõ công việc của từng người thì mới có giá trị. Còn phối hợp chung chung, có việc đề nghị 5 - 6 tháng mới có kết quả thì rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị năm 2024 tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, đồng thời khẳng định Thành ủy TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát một cách khoa học, thực tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan thực thi. Năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM lập 13 tổ công tác giám sát, đôn đốc các dự án trọng điểm, trong đó Bí thư Nguyễn Văn Nên được phân công 2 dự án gồm cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và dự án chống ngập do triều. Riêng dự án chống ngập có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, năm 2023 được phân bổ 5.771 tỉ đồng nhưng chưa giải ngân được đồng nào.
"Nếu sắp tới Ban Thường vụ Thành ủy có sơ kết về giám sát đầu tư công, tôi tự nhận mình là người hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất", ông Nên nói và cho biết đã chọn giám sát dự án khó và rất quyết tâm đẩy nhanh dự án nhưng không thể vì có những nội dung vượt thẩm quyền.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi biểu dương một số đơn vị giải ngân tốt, tiêu biểu là Q.Gò Vấp, H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, Q.8, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Ban Quản lý (BQL) Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Mãi cũng phê bình các đơn vị thiếu sự chủ động, có sự chủ quan và có kết quả giải ngân thấp, gồm: BQL dự án Bệnh viện An Bình, Công ty CP đầu tư kinh doanh Điện lực TP.HCM, BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Công viên phần mềm Quang Trung, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Trung tâm nghiên cứu triển khai công nghệ cao. Danh sách chính thức sẽ chuyển về Sở Nội vụ xem xét đánh giá xếp loại tổ chức, cán bộ năm 2023.
Bình luận (0)