TP.HCM: Số ca sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng đều tăng

Lê Cầm
Lê Cầm
09/10/2024 14:56 GMT+7

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết trong tuần 40 (từ ngày 30.9 đến 6.10) đều tăng so với trung bình 4 tuần trước đó, trong đó, số ca mắc mới sởi tăng đến hơn 60%.

Cụ thể theo HCDC, tính từ ngày 30.9 đến ngày 6.10, TP.HCM ghi nhận 437 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 23,4% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 (23.9 - 29.9) là 12.733 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.

Trong tuần 40, TP.HCM cũng ghi nhận 411 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 19,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 8.198 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP.Thủ Đức và quận 7.

Tuần 40, TP.HCM ghi nhận 141 ca sởi, tăng 60,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 967 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm TP.Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận 12, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình, quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận Phú Nhuận.

TP.HCM: Số ca sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng đều tăng- Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2

ẢNH: C.L

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh

Theo HCDC, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa và có khả năng thành dịch lớn. Đa phần trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên một số trường hợp, trẻ có thể diễn tiến nặng với các biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, tim. Để phòng bệnh cần ăn uống sạch ăn chín, uống chín. Thường xuyên lau sạch sàn nhà, các bề mặt và các vật dụng tiếp xúc hằng ngày. Giữ bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Không cho trẻ ngậm mút đồ chơi hoặc dùng chung đồ chơi chưa được khử trùng.

Sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây và nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Để phòng bệnh sởi, các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh lên đến 95%. Cho trẻ đủ 9 tháng tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng. Ngành y tế TP.HCM đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi để nâng miễn dịch cộng đồng từ ngày 31.8.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.