Tại BV Nhi đồng 1, theo bác sĩ (BS) Dư Tuấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV này, số ca TCM điều trị nội trú là 70 ca, tăng 50% so với tuần trước, trong đó có 40 ca bệnh nặng. BV tăng cường điều trị ngoại trú và hiện có khoảng 200 ca điều trị ngoại trú tái khám mỗi ngày hoặc cách 2 ngày. Còn BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 20 - 25 ca TCM nội trú/ngày, có ngày hơn 30 ca. BV này cũng tăng cường điều trị ngoại trú 150 ca/ngày, có ngày 214 ca. BS Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết hiện BV đang điều trị 17 ca TCM, tăng nhẹ so với các tuần trước.
Theo BS Dư Tuấn Quy, biểu hiện ban đầu của bệnh TCM ở trẻ em đa số là nổi ban ở tay, chân, gối, mông, hoặc loét miệng. Một số trẻ sốt không đáp ứng hạ sốt, ngủ giật mình chới với… là dấu hiệu nặng của TCM cần phải đi BV ngay. Các biến chứng thần kinh não do TCM cần lưu ý vì rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đó là biểu hiện run, đi không vững; hoặc thở hơi bất thường (dễ nhầm viêm hô hấp).
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh TCM (kể cả sốt xuất huyết) bắt đầu tăng từ tháng 7, và tăng mạnh hơn trong tháng 8, 9... Năm 2020, do đại dịch Covid-19, các biện pháp phòng bệnh được đẩy mạnh, thông điệp rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như Covid-19, TCM, sởi, cúm... đã góp phần làm giảm bệnh TCM trong 3 tháng đầu năm nay. Khi bước sang trạng thái bình thường mới, các trường học cùng nhiều hoạt động vui chơi mở cửa lại, nguy cơ gia tăng bệnh TCM là điều được dự báo. Nhận thấy nguy cơ từ các dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu từ nơi khác mới đến TP, nguy cơ xâm nhập Covid-19, HCDC đã xây dựng nhiều giải pháp phòng chống phù hợp.
Bình luận (0)