Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Minh Phúc (ảnh), Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết lãnh đạo TP đang quyết liệt đạt mục tiêu giải ngân kỷ lục để tạo bước ngoặt cho kinh tế TP.
Giải ngân đầu tư công quý 1 chỉ đạt 2% so với kế hoạch và được nhận định là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần khiến tăng trưởng kinh tế TP gần "đội sổ", ông lý giải thế nào về tỷ lệ này?
Nếu nhìn vào con số tổng kết tỷ lệ giải ngân của ngành giao thông TP năm 2022, mọi người sẽ thấy hầu hết các dự án giải ngân ì ạch trong 2 quý đầu năm đều đạt gần như 100% kế hoạch ở giai đoạn cuối năm. Đơn cử, 3 dự án khởi công mới hồi cuối 2022 là QL51, nút giao An Phú và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đến hết quý 2 mới giải ngân được 4 - 5% nhưng đến khi các gói thầu khởi công, ký hợp đồng, tạm ứng cho nhà thầu diễn ra đúng theo kế hoạch vào quý cuối năm thì toàn bộ số vốn cho 3 dự án này đều đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 1 đến cuối năm 2022 cũng đạt tỷ lệ giải ngân trên 80%.
Riêng có một phần tỷ trọng giải ngân không đạt mục tiêu là phần giải phóng mặt bằng (GPMB). Có những địa phương làm rất tốt khâu GPMB như Q.Bình Tân, Q.7, H.Nhà Bè nhưng TP.Thủ Đức chiếm tỷ lệ cao nhất gần 1.000 tỉ đồng lại không đạt kế hoạch. Bốn cây cầu trọng điểm ở TP.Thủ Đức chỉ kịp giải quyết được 1 là cầu Nam Lý. Cầu Tăng Long, Ông Nhiêu, Ông Bồn không kịp tiến độ GPMB, phải rời sang năm nay. Chính nhóm dự án này và một số dự án chậm di dời tiện ích do vướng mắc thủ tục phê duyệt đã khiến các dự án giao thông bị mất khoảng 10% tỷ lệ giải ngân. UBND cũng đã có chỉ đạo, phê bình, đôn đốc cho các phần công tác này cải thiện trong năm nay. Nhìn chung, trong năm 2022, tốc độ giải ngân diễn ra đúng theo kế hoạch mà Ban giao thông đã dự báo, phù hợp với đặc thù của nguồn vốn.
Ý ông muốn nói là tốc độ giải ngân quý 1 năm nay chậm nhưng các quý sau sẽ tăng tốc như năm 2022?
Đúng thế! Năm 2023, áp lực công tác giải ngân lớn hơn rất nhiều, về cả giá trị và tiến độ. TCIP được giao 31.000 tỉ đồng. Riêng dự án Vành đai 3 được giao giải ngân 23.000 tỉ đồng, chiếm tới 80% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, dự án thành phần 2 GPMB phải giải ngân 18.000 tỉ đồng, phần 5.000 tỉ đồng là công tác xây lắp. 8.000 tỉ đồng còn lại phân bổ vào 4 nhóm: nhóm 1 là 2.000 tỉ đồng cho GPMB; nhóm 2 là 4.000 tỉ đồng cho các dự án xây lắp; nhóm 3 khoảng 600 tỉ đồng cho các dự án vốn ODA và nhóm 4 khoảng 1.400 tỉ đồng là các dự án khác.
Các dự án này cũng có các đặc điểm là tỷ trọng giải ngân sẽ rơi vào khoảng từ quý 2 trở đi. Bởi quý 1 là thời điểm các dự án đang phê duyệt phương án, thiết kế, chỉ giải ngân một ít chi phí cho công tác tư vấn nên tỷ trọng giải ngân sẽ không cao. Ước tính, đến cuối quý 2, tổng thể các dự án giao thông của TP sẽ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 30 - 40%, đến cuối quý 3 tăng lên khoảng 70 - 75% và đến cuối năm sẽ đạt từ 90 - 95%.
Nhưng nhìn vào tỷ lệ giải ngân trung bình mỗi năm khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông thời gian qua, mục tiêu hơn 23.000 tỉ đồng giải ngân trong 9 tháng còn lại liệu có khả thi không thưa ông?
Quả thật, đây là nhiệm vụ lớn chưa từng có ở TP.HCM. Tuy nhiên, mọi "đường đi nước bước" để đạt được kết quả này đều dựa trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng theo từng mốc tiến độ của các dự án. Cụ thể, dự án nắm tỷ lệ giải ngân lớn nhất năm nay là Vành đai 3, có 2 công tác phải làm. Công tác xây lắp, duyệt các thiết kế, dự toán, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30.4. Sau đó, chúng tôi sẽ đấu thầu khoảng 4 gói thầu xây lắp để khởi công đợt đầu tiên. Tiến độ khởi công dự án trước 30.6 vẫn đang được giữ. Như vậy, việc xây lắp sẽ có 2 đợt chi trả, đợt 1 khoảng 2.000 tỉ đồng vào cuối tháng 6. Trong các tháng tiếp theo, lần lượt các gói thầu xây lắp sẽ tiếp tục khởi công và được tạm ứng tiền.
Tỷ trọng giải ngân sẽ rơi vào cuối quý 2, tăng dần vào quý 3, quý 4 và đạt mức giải ngân 5.000 tỉ đồng vào cuối năm. Tương tự, với 18.000 tỉ đồng GPMB, các địa phương cũng đã "chốt" phương án, đang lấy ý kiến người dân. Dự kiến ngày 25.4 tới sẽ phê duyệt phương án, chi trả cho người dân đợt 1 khoảng 8.000 tỉ đồng để kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước 15.6. Đợt 2 trị giá 10.000 tỉ đồng tiếp tục triển khai trong tháng 9, tháng 10 và sẽ hoàn tất chi trả trước tháng 11 năm nay. Lộ trình đã có tiến độ rất rõ, tính theo từng tuần. Tất cả tiến độ đang kiểm soát đúng theo kế hoạch. Vành đai 3 chắc chắn phải giải ngân trên 95% trong năm nay.
Nhóm ghi vốn cho công tác bồi thường GPMB năm nay có 46 dự án cũng chi trả từ quý 3. Riêng TP.Thủ Đức, lãnh đạo TP đã hẹn sẽ bàn giao mặt bằng 3 cây cầu còn lại cho TCIP vào khoảng cuối quý 2. Còn lại một số dự án gối đầu từ năm ngoái như cầu Rạch Đĩa, cầu Phương Long tới tháng 6 - 7 sẽ bàn giao mặt bằng. Còn các dự án đang thi công phần làm cầu, hầm, lúc đầu chỉ khoan thí nghiệm, khoan đại trà, chuẩn bị vật liệu xây dựng… khối lượng giải ngân chưa cao. Khi đi vào kết cấu bê tông, cốt thép, đi vào lao giầm, đúc giầm thì khối lượng mới tăng lên vào khoảng quý 3, quý 4. Với 600 tỉ đồng vốn ODA, thủ tục hiện nay giao từ đầu năm và đang cập nhật điều chỉnh các hợp đồng, sẽ bắt đầu giải ngân vào khoảng cuối quý 2. Các phần chi phí khác cũng đi kèm song song tiến độ.
Mục tiêu 23.000 tỉ đồng trong 2023 rất rõ và lãnh đạo TP đang quyết tâm giữ tiến độ này. UBND TP cũng vừa ban hành danh sách 23 dự án trọng điểm, kiểm điểm hằng tháng và chỉ đạo rất quyết liệt theo 3 tổ công tác chuyên đề. Nói vậy để thấy, chúng tôi không phải chủ quan nhưng bình tĩnh nắm tiến độ. Lãnh đạo TP cũng không hài lòng với kết quả hiện nay nên tất cả đều đang cố gắng hơn nữa để đẩy nhanh hơn những gì có thể đẩy được.
Chậm GPMB, chậm tiến độ luôn là nút thắt nhiều năm qua của ngành giao thông TP.HCM. Điều gì khiến ông tin rằng các nút thắt này không tiếp tục cản trở mục tiêu triển khai các dự án trong năm nay?
Lộ thông, tài thông
Năm nay là năm khởi đầu các chuyển động lớn trong tương lai của ngành giao thông TP.HCM. Chắc chắn trong 2023, UBND TP sẽ trình HĐND TP chủ trương dự án Vành đai 2 và Vành đai 4. Tháng 4 này, chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng sẽ được trình lên. Tháng 6, khởi công Vành đai 3. Cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (Bình Phước) đang được các địa phương khởi động. Song song, các dự án cửa ngõ như QL50, đường Trần Quốc Hoàn, sân bay Tân Sơn Nhất, cụm cảng Cát Lái hình thành đường liên cảng kết nối với Vành đai 3 đang được TP chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ… Đây đều là dự án mang tính chiến lược, lập nên hành lang từ Mộc Bài - TP.HCM - Cái Mép Thị Vải, tạo không gian logistics, phát triển đô thị, khai thác quỹ đất dọc Vành đai 3 để nối kết liên vùng. Lộ thông, tài thông. Sức bật từ giao thông sẽ tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế của TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc
Nắm vững tiến độ, không có nghĩa là không có thách thức. Áp lực về khối lượng tăng lên rất nhiều và yêu cầu của các cấp lãnh đạo cùng người dân về tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án cũng tăng lên. Tỷ lệ giải ngân rất lớn đòi hỏi quản lý từ các khâu thẩm định, phê duyệt tới khâu kiểm tra chất lượng… phải chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ. Ba nút thắt lớn nhất hiện nay là GPMB, thời gian phối hợp giữa các đơn vị và công tác điều hành của các chủ đầu tư. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo Ban giao thông cùng các sở, ngành phải đặt mục tiêu 3 trong 1: vừa GPMB, vừa thi công, vừa giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên, ngành giao thông TP cũng đang có rất nhiều thuận lợi. Chưa bao giờ các nguồn vốn cho giao thông được bố trí đầy đủ như hiện nay. Hầu hết các dự án trọng điểm năm nay đều đã được ghi vốn đủ. Lãnh đạo TP thì chỉ đạo sát sao hằng tuần, hằng ngày. Các sở, ban ngành cũng có những chuyển động rất nhanh. Sắp tới, khi có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Chính phủ, tất cả những cơ chế đặc thù, mong ước của ngành giao thông gửi vào đó được thông qua sẽ là cú hích rất mạnh. Đơn cử, chúng ta có thể áp dụng mô hình TOD cho tuyến metro số 1, metro số 2 và Vành đai 3 để tạo quỹ đất, tạo nguồn lực. Cùng với đó, Nghị quyết 24 về phát triển KT-XH vùng Đông Nam bộ cùng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM cũng mới được ban hành. Nhiều cơ chế đang được tháo gỡ mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa tốc độ giải ngân, triển khai các dự án giao thông.
Một yếu tố nữa, tôi cho rằng là yếu tố quan trọng nhất, đó là sự chung sức, đồng lòng. Với tất cả những gì các sở, ngành, địa phương đã cùng chung tay làm với nhau tại dự án Vành đai 3, tôi tin là mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành. Ngoài vốn, kế hoạch, chỉ đạo, tiến độ chi tiết từng ngày, từng tuần thì tất cả các đơn vị đã chung sức, đoàn kết làm cùng nhau, không phân biệt sở, ngành, quận, huyện, chỉ một "màu cờ sắc áo" với Vành đai 3. Cách tiếp cận, cách làm, tác phong... đã gần như trở thành "khát vọng Vành đai 3" và sẽ nhân ra cho những dự án khác. Làm cùng nhau là vốn quý nhất, cũng là cơ sở để có niềm tin cho những nhiệm vụ lớn sắp tới.
Các dự án trọng điểm được khởi công sẽ tạo sôi động cho thị trường
Tăng trưởng chậm lại của đầu tàu kinh tế là điều được dự báo trước bởi sự thiếu kiến tạo không gian phát triển mới. Dễ thấy nhất là sự chậm chạp của nhiều dự án công và vướng mắc trong cấp phép đầu tư tư nhân. Việc này gián tiếp dẫn đến tiêu dùng giảm. Kế đến là chậm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm ngành thâm dụng lao động, việc này bàn nhiều nhưng chưa có hướng đi cụ thể. Trước mắt, đẩy thật mạnh đầu tư công là nhiệm vụ TP.HCM phải làm thật nhanh. Các dự án trọng điểm như đường vành đai, công trình cầu, hầm được khởi công sẽ ngay lập tức tạo sôi động cho cả thị trường. Công nhân có việc làm, sẽ sinh chi tiêu, kích thích tiêu dùng, phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, nhà thầu xây dựng… cũng sẽ hồi sinh. Tập trung giải quyết các vấn đề trên bằng hành động cụ thể, đầu tàu sẽ lấy lại vị thế.
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Hành động ngay thì mới phát huy tác dụng
Xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động "ngốn" nhiều lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.
Để giải quyết các nút thắt cố hữu về giải ngân đầu tư công, trước hết, tất cả các ban, ngành từ địa phương cần nhanh chóng rà soát lạt tất cả các dự án, lên danh sách chia thành từng loại cụ thể. Những dự án nào do địa phương đầu tư bằng vốn địa phương, có quyền quyết định thì triển khai luôn, thúc các sở, ngành hành động ngay. Những dự án nào đòi hỏi thông qua HĐND thì có cơ chế thông qua sớm.
Đối với các dự án cần sự can thiệp của T.Ư, đồng loạt nhiều địa phương kiến nghị thì Thủ tướng Chính phủ phải có chỉ thị đặc biệt cho phép tháo gỡ nhanh rào cản, rút ngắn một số khâu để các bộ có cơ sở hỗ trợ địa phương. Sau đó giám sát chặt chẽ, áp cam kết và chế tài đối với từng địa phương, từng sở, ban quản lý dự án… Một chủ trương được đề ra chỉ hô hào thôi chưa đủ, cần vạch ra kế hoạch, lập tức hành động thì mới có thể nhanh chóng phát huy tác dụng.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển GTVT Việt Đức
3 trụ cột để kéo kinh tế TP.HCM tăng trưởng trở lại
Chính phủ và TP.HCM đã đề ra 3 trụ cột chính để kéo kinh tế TP dần tăng trưởng trở lại. Trong đó, trụ cột quan trọng nhất vẫn là đầu tư công. Đầu tư công diễn ra thế nào sẽ dẫn dắt đầu tư xã hội như thế đó. Kết thúc quý đầu tiên của năm, TP.HCM chỉ giải ngân được 2%. TP đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế. Đây là mắt xích quan trọng nhất dẫn tới sự sụt giảm kinh tế của TP. Bên cạnh đó, TP vẫn chưa hấp thụ được vốn và sụt giảm trầm trọng thị trường nội địa. Ba trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, được xem là liều thuốc để TP có thể vượt qua "cơn bạo bệnh" nhưng không được sử dụng hiệu quả. Để bù đắp những gì đã mất, TP phải tập trung làm bằng được ba trụ cột nói trên, nhất là phải gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân, minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn…
TS Trần Du Lịch
Bình luận (0)