TP.HCM tổ chức thi hay xét tuyển lớp 10 vào tháng 8?

Bích Thanh
Bích Thanh
22/07/2021 08:00 GMT+7

Hôm qua 21.7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM về các phương án thi và xét tuyển lớp 10 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết kỳ tuyển sinh lớp 10 hằng năm có khoảng 80.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu vào trường công lập khoảng 65.000 học sinh. Năm nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đến nay vẫn chưa tổ chức thi lớp 10 được. Trước sự quan tâm của phụ huynh và học sinh về kỳ tuyển sinh, Sở GD-ĐT đề xuất 2 phương án tuyển sinh cùng với những đánh giá thuận lợi và khó khăn.

Phương án 1: Thi tuyển vào ngày 16 - 17.8

Theo đó, nếu toàn TP ở mức độ bình thường mới trong phòng, chống dịch thì tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 16 - 17.8 với các môn ngữ văn, tiếng Anh, toán và môn chuyên hoặc môn tích hợp.
Với phương án này, theo Sở GD-ĐT, có thuận lợi là công tác chuẩn bị cho kỳ thi như quy hoạch điểm thi, phân phòng thi, phiếu dự thi, nhân sự lãnh đạo, cán bộ coi thi, nhân viên, người tham gia phòng chống dịch, tài chính... đã đầy đủ. Chỉ cần có thời gian chính thức là các bộ phận sẽ triển khai thực hiện do đã được phân công vào thời điểm cuối tháng 5, trước khi TP tạm hoãn thi lớp 10 vào ngày 2 - 3.6 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, việc tổ chức thi còn đảm bảo công bằng chung và TS cũng đã tập trung ôn luyện các môn thi và môn chuyên trong năm học và trước khi thi. Công tác tuyển sinh sau khi thi được thực hiện thuận lợi do cách xét tuyển không thay đổi và có kinh nghiệm từ các năm trước.
Tuy nhiên, trong thời điểm này khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chính một lãnh đạo Sở cũng chỉ ra khó khăn: “Diễn biến dịch còn nhiều phức tạp và do xuất hiện các chủng dễ lây lan nên việc tập trung tổ chức khoảng 130 điểm thi với khoảng 80.000 TS dự thi sẽ tác động rất lớn đến tâm lý khi đi thi của phụ huynh học sinh, của giáo viên coi thi và chấm thi”.
Hiệu trưởng một trường THPT cũng bày tỏ ý kiến về phương án này khi cho rằng mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức thi an toàn trong phòng chống dịch nhưng không được chủ quan và cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa nhiều giải pháp phòng chống dịch tại điểm thi, điểm chấm thi.

Phương án 2: Thi lớp chuyên và xét lớp thường

Trong trường hợp toàn TP ở mức độ nguy cơ hoặc bình thường mới trong phòng, chống dịch, Sở GD-ĐT xây dựng phương án thứ 2 chỉ tổ chức thi đối với lớp 10 chuyên, thực hiện xét tuyển lớp 10 thường cho những học sinh đã đăng ký các nguyện vọng.
Theo đánh giá, việc tổ chức thi lớp 10 chuyên sẽ thuận lợi hơn cho công tác tổ chức đảm bảo an toàn do số lượng TS, nhân sự coi thi, chấm thi không nhiều và tận dụng được sự chuẩn bị sẵn sàng của các điểm thi. Được biết, có 6.722 TS đăng ký nguyện vọng vào các trường, lớp chuyên.
Riêng với việc thi tuyển vào lớp 10 chuyên, Sở có 2 phương án: đó là phương án C1 tổ chức cho TS thi 4 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và môn chuyên vào ngày 16 - 17.8. Còn phương án C2 là TS chỉ thi môn chuyên vào sáng 16.8.
So sánh 2 phương án C1 và C2, cho thấy C1 vẫn giữ các môn thi như đã thông báo và học sinh đã chuẩn bị năng lực, kiến thức. Tuy nhiên, thời gian thi dài nên việc tổ chức an toàn cần phải chú trọng cao và ảnh hưởng đến tâm lý của TS. Ngoài ra, việc tổ chức chấm thi sẽ tập trung số lượng đông hơn phương án C2.
Còn nếu áp dụng phương án C2, thời gian tổ chức ngắn hơn nhưng việc lựa chọn điểm chuẩn sẽ khó khăn nếu chỉ chọn xét điểm môn chuyên. Còn nếu sử dụng điểm 3 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ của lớp 9 để xét tuyển lớp 10 THPT và bổ sung điểm thi chuyên (hệ số 2) thì tổ chức xét như các năm học trước. Phương án này giảm thời gian chấm thi và tuyển sinh, có thể ít ảnh hưởng đến thời gian năm học.

Xét tuyển lớp 10 thường như thế nào ?

Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp chuyên, sẽ xét tuyển lớp 10 thường theo 4 phương án.
Phương án xét tuyển 1 sẽ căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm lớp 9 của 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ làm điểm xét vào các nguyện vọng học sinh đã đăng ký.
Phương án này được coi là thay thế điểm thi bằng điểm trung bình 3 môn học lớp 9 nên phù hợp nhất với việc thực hiện xét tuyển. Nếu dữ liệu 3 môn này được sử dụng cho phương án chỉ tổ chức môn thi chuyên trong phương án C2 thì việc tổ chức nhập liệu chung sẽ đồng bộ và quy trình thực hiện xét điểm lớp chuyên và sau đó xét lớp 10 rất thuận tiện.
Phương án xét tuyển 2 dựa trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn học tương ứng với 3 môn thi và điểm trung bình môn cả năm của lớp 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng đã đăng ký của học sinh.
Ở phương án này, ưu điểm là điểm đánh giá toàn diện về năng lực học tập của học sinh ở lớp 9 và 3 môn phù hợp với 3 môn thi.
Phương án xét tuyển thứ 3 là căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ của lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng mà học sinh đã đăng ký.
Phương án này đánh giá toàn diện về năng lực học tập 3 môn của học sinh ở bậc THCS. Số môn xét có sự tương đồng với môn thi nhưng sẽ có tâm lý lo lắng vì một số học sinh có kết quả học tập những môn này ở lớp dưới không cao.
Phương án xét tuyển thứ 4 là căn cứ trên tổng điểm trung bình môn cả năm của lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng đã đăng ký.
Khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ngày 16.8
Ngoài ra, trong phương án tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất tổ chức khảo sát đánh giá năng lực xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vào sáng hoặc chiều 16.8, chung ngày với thi tuyển sinh lớp 10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.