TP.HCM từng áp dụng thành công mô hình thu hồi thêm đất hai bên công trình

22/02/2021 08:29 GMT+7

Thực tế, TP.HCM đã từng áp dụng thành công mô hình thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá khi mở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ.

Cụ thể, dự án đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 7,5 km chạy trên địa bàn H.Nhà Bè được UBND TP phê duyệt năm 1999, với chiều rộng 60 m. Tại thời điểm đó, tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 429 tỉ đồng.
Khi đó, UBND TP đã quyết định thu hồi mỗi bên thêm 15 m làm quỹ đất dự trữ. Ngay khi có đất sạch, TP đã đem đấu giá phần đất này cho công ty địa ốc Phú Long và Tài Nguyên, thu về 436 tỉ đồng. Phần đất còn lại khoảng 20 ha TP đem đổi cho Công ty GS làm đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và 15 ha dành để tái định cư tại chỗ cho người dân. Tính ra, mỗi mét vuông đất TP đem đấu giá được khoảng 2,8 triệu đồng, số thu về dư sức làm đường. Như vậy có thể thấy số tiền TP bỏ ra và thu về đã có sự chênh lệch khá lớn và điều lớn hơn nữa là TP còn có đất để đổi lấy tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Sau thành công từ tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, cũng đã có nhiều dự án được đề xuất áp dụng mô hình này như dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc dự án tuyến metro số 2 đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám. Trước đây, trong tờ trình thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường, lãnh đạo TP cho biết sẽ chọn những vị trí có tiềm lực về kinh tế, hấp dẫn đầu tư để tiến hành bồi thường, tạo quỹ đất sạch nhằm điều tiết giá trị gia tăng từ đất, cung ứng cho nhà đầu tư.
Khi đó TP.HCM dự kiến quỹ đất sạch sẽ được chủ động điều phối, điều tiết giá trị gia tăng từ đất do quy hoạch bằng biện pháp tổ chức đấu giá đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Từng bước giảm bớt phương thức giao đất, cho thuê đất theo ranh giới đất nhà đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng với người sử dụng đất để tránh tình trạng phát triển tự phát. Mặc dù vậy, những đề xuất và chính sách này đến nay vẫn còn nằm trên giấy, mô hình thành công từ mở đường Nguyễn Hữu Thọ không được triển khai thêm ở dự án phát triển hạ tầng nào.
Lý giải việc này, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định vấn đề lớn nhất khi làm dự án là cần có sự hợp tác đa ngành giữa các sở và có lãnh đạo cấp cao đứng ra chịu trách nhiệm. Hiện nay, việc mở rộng đường là trách nhiệm của Sở GTVT, quy hoạch hai bên đường thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cấp phép là Sở Xây dựng, cân nhắc phương án đấu giá lại do Sở Kế hoạch - Đầu tư đảm nhiệm. Nếu không có liên kết, hợp tác, mạnh ai nấy làm thì mỗi cơ quan không thể có đủ cơ sở thực hiện mô hình trên.
Từ góc độ doanh nghiệp (DN), lãnh đạo một công ty bất động sản nói rằng nếu mọi thứ minh bạch, công khai, nhà nước được lợi và sẽ không tạo được các “vùng xám” để một bộ phận cán bộ có cơ hội “kiếm chác”. Nếu tất cả các tuyến đường TP thực hiện được theo hướng này, DN sẽ rất hoan nghênh. Hiện nay các DN khi đi giải phóng mặt bằng cũng phải mua đất của người dân theo giá thị trường, thậm chí giá đất nông nghiệp cũng bị “hét” với giá đất ở hình thành trong tương lai.
Điều này khiến dự án hàng chục năm vẫn chưa đền bù xong, dẫn đến chôn vốn rất lớn. Nay TP có quỹ đất sạch đem đấu giá, DN sẽ hào hứng tham gia vì biết được chi phí đầu vào, thời gian thực hiện các thủ tục liên quan cũng sẽ nhanh hơn, dễ dàng kêu gọi đầu tư, gọi vốn từ nước ngoài. “Như tuyến xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng... được TP bỏ tiền ngân sách ra đầu tư với nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, khi làm xong quỹ đất hai bên đường sạch đẹp đã rơi vào tay các DN và họ phát triển các dự án bất động sản thu về lợi nhuận khổng lồ từ việc tăng giá đất do đầu tư hạ tầng của nhà nước mang lại. Nay, nếu các quỹ đất này được TP giải phóng và mang đấu giá, sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách, từ đó mang đi tái đầu tư các lĩnh vực khác như hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cho an sinh xã hội”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.