TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhưng số ca sởi giảm chậm

Du Yên
Du Yên
17/10/2024 04:37 GMT+7

Gần 20% trẻ sống tại TP.HCM nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống không ở TP.HCM nên trạm y tế không phát hiện và biết được tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi.

Ngày 16.10, UBND TP.HCM tổ chức họp về phòng chống dịch sởi với các sở, ngành và các quận, huyện, TP.Thủ Đức. 

Danh sách trẻ chưa tiêm vắc xin sởi chưa đúng

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đến ngày 13.10, tổng số mũi vắc xin sởi đã tiêm là 219.850 mũi. Số ca sởi tích lũy là 1.079 ca, gồm 851 ca nội trú và 228 ca ngoại trú, có 4 ca tử vong. 

TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhưng số ca sởi giảm chậm - Ảnh 1.

Trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi, tính đến ngày 13.10 tổng số mũi đã tiêm cho nhóm trẻ 1 - 10 tuổi là 219.850 mũi 

ẢNH: DU YÊN

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết chiến dịch tiêm vắc xin đang được các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ đề ra. Hiện một số ca mắc sởi rải rác là những đối tượng chưa tiêm, số ca sởi có giảm nhưng chậm. 

Khi tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin, Sở Y tế TP.HCM phát hiện có một số địa phương số lượng trẻ tiêm chênh lệch với dữ liệu có sẵn nên Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã đi điều tra thực tế. Đơn cử là H.Bình Chánh đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 120/100% số trẻ trong danh sách 1 - 10 tuổi. Từ đó có thể thấy có số lượng trẻ được tiêm nhưng không được lập danh sách. 

Từ kết quả điều tra, bà Lê Hồng Nga Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết cách tính danh sách trẻ cần tiêm ở một số địa phương chưa phản ánh đúng chính xác trẻ đang sống tại đó. 

Dẫn đến, số liệu thực tế và danh sách chênh lệch, số trẻ được tiêm bù ở nhóm địa chỉ khai báo ngoài TP.HCM cao hơn cả nhóm trẻ có địa chỉ khai báo tại TP.HCM. 

TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhưng số ca sởi giảm chậm - Ảnh 2.

Ngày 16.10, UBND TP.HCM tổ chức họp về phòng chống dịch sởi với các sở, ngành và các quận, huyện, TP.Thủ Đức

ẢNH: MẠNH LINH

Ngoài ra, bà Nga cho biết phương pháp lập danh sách chỉ dựa theo danh sách có sẵn, chưa rà soát thực tế địa bàn. Có trẻ sống tại địa bàn lâu (khoảng 38 tháng) nhưng vẫn chưa được cập nhật địa chỉ trên hệ thống. “Công tác rà soát lập danh sách trẻ có được thực hiện đúng chỉ đạo đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng?”, bà Nga nói. 

Cũng qua điều tra, chỉ có 44% gia đình có trẻ 1 - 5 tuổi nhận thông tin về chiến dịch từ cộng tác viên, ban điều hành ấp, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng chưa phát huy hết vai trò trong chiến dịch. 

Người dân nhận thông tin về việc tiêm vắc xin chủ yếu từ trung tâm y tế (56%), nguồn thông tin từ địa phương và trường học là 46%.

Cần khoanh vùng an toàn 

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur TP.HCM) cho biết mặc dù chiến dịch tiêm vắc xin đã được đẩy nhanh, đạt tỷ lệ cao nhưng số ca mắc sởi vẫn còn cao. 

Hiện trên 50% ca mắc sởi được điều trị tại TP.HCM đến từ các tỉnh, thành khác. Đây có thể là nguồn tác nhân gây bệnh sởi, làm cho dịch bệnh sởi vẫn duy trì ở mức ngang và không giảm. 

Theo bác sĩ Quang, muốn giảm ca mắc sởi thì phải lập vùng an toàn ở TP.HCM có tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch của trẻ em phải cao. 

“Vì sao mở đợt tiêm ở trẻ từ 1 - 10 tuổi hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ giảm ca mắc sởi như mong muốn. Có thể thấy công tác lập danh sách, rà soát chưa tốt cho nên còn rất nhiều trẻ chưa được tiêm”, bác sĩ Quang nói. 

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết với tỷ lệ bao phủ vắc xin như hiện nay sẽ không có việc bùng phát dịch. Một số quận, huyện đã làm rất tốt chiến dịch tiêm vắc xin lần này, đạt trên 95% tỷ lệ đề ra. 

TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhưng số ca sởi giảm chậm - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tại buổi họp

ẢNH: MẠNH LINH

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy tổng kết lại tình hình thực tiễn về dịch bệnh. Qua đó, nêu rõ: Sau khi công bố dịch, đến thời điểm này chúng ta đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đạt tỷ lệ trên 95%. Tuy nhiên, qua kiểm tra chéo của các đơn vị chuyên môn, xuất hiện tình huống một số trẻ không có trong danh sách, không được cập nhật vào hệ thống.

Cùng với đó, ở một số nơi kết quả tiêm chủng đạt 100% nhưng tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh vẫn còn cao. Các nhà chuyên môn ở Viện Pasteur và HCDC cũng đã thông báo rất rõ; từng ngành của thành phố như: Giáo dục, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an TP.HCM, Ban chỉ đạo của các quận, huyện đều có những hoạt động triển khai rất mạnh mẽ nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị, Ban chỉ đạo của các quận, huyện tự rà soát lại, tổ chức liên ngành phù hợp; nghiêm khắc chấn chỉnh các quận, huyện thường xuyên được nhắc tên nhưng kết quả vẫn không khả quan.

“Những trẻ bị nhiễm vào thời điểm thành phố chúng ta đang có dịch sởi, biểu hiện lâm sàng rất rõ thì có thể xem là nhiễm bệnh để có biện pháp y tế kịp thời, không cần phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định. Chúng ta phải thống nhất quan điểm đó, toàn diện từ trên xuống dưới. Đối với các trẻ em trên địa bàn thành phố chưa được rà soát và cập nhật thông tin trên hệ thống cần có giải pháp khắc phục ngay, nhất là nhóm trẻ từ 1 - 10 tuổi.”, bà Thúy chỉ đạo.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy giao Sở Y tế khẩn trương có văn bản đề xuất UBND TP.HCM ký văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép TP.HCM tiến hành tiêm cho trẻ dưới 6 - 9 tháng tuổi. Với các đối tượng khác cần bao phủ vắc xin, cũng cần có văn bản đề xuất chính thức.

Đối với Sở Giáo dục - Đào tạo, bà Thúy yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện ca có dấu hiệu nhiễm bệnh sớm, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, học sinh.

Đối với Công an TP.HCM, có văn bản chính thức về tăng cường phối hợp liên ngành ở địa phương, đặc biệt là ở khu phố, khu dân cư để rà soát, cập nhật nhóm lưu trú.

Sở Y tế triển khai rà soát lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để đánh giá xem đã phát huy được năng lực của đội ngũ này hay chưa.

Đối với các quận, huyện và TP.Thủ Đức, lãnh đạo các địa phương cần trực tiếp chỉ đạo toàn diện trên địa bàn phụ trách.

“Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12, TP.Thủ Đức và huyện Củ Chi là 6 đơn vị được nêu tên trong danh mục các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng ca nhiễm vẫn còn cao. Tôi chính thức nhắc nhở để các đồng chí coi đây là trọng trách và cố gắng hơn”, bà Thúy nhấn mạnh.

Bà Thúy cũng đề nghị các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát và phát huy hiệu quả của các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; Ban chỉ đạo ở lực lượng công an phối hợp cùng ngành y tế tiến hành chuyển dữ liệu để đồng bộ, cập nhật danh sách các nhóm trẻ trên địa bàn. Mục tiêu của thành phố là xây dựng dữ liệu sức khỏe dành cho người cao tuổi và năm học này là xây dựng dữ liệu dành cho học sinh; do đó cần có sự đồng bộ liên ngành về dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin...

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng chính thức phát động thi đua công bố hết dịch trong thời gian sớm nhất giữa các Ban chỉ đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức.

“Quận, huyện nào có tuần đầu tiên không có ca nhiễm mới, những tuần tiếp theo cố gắng giữ. Các quận, huyện địa bàn rộng, dân cư đông, thường xuyên biến động sẽ có nhiều khó khăn trong triển khai nhưng không có nghĩa là không làm được; chúng ta cùng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Thúy nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.