TP.HCM ưu tiên đầu tư nhân lực 8 ngành trọng điểm có trình độ quốc tế

Bích Thanh
Bích Thanh
09/10/2023 14:33 GMT+7

Ngày 9.10, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án xã hội hóa phát triển lĩnh vực GD-ĐT của TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực các ngành trọng điểm có trình độ quốc tế.

TP.HCM ưu tiên đầu tư nhân lực 8 ngành trọng điểm có trình độ quốc tế  - Ảnh 1.

Công nghệ thông tin-truyền thông là một trong 8 ngành trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế

BẢO CHÂU

Theo đó, UBND TP.HCM khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, cải thiện cả về nội dung, phương pháp dạy và học, chương trình, cơ sở vật chất cho giáo dục. Đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm khác nhau trong xã hội trên cơ sở thỏa thuận và cam kết giữa nhà trường và xã hội, tạo điều kiện để xã hội giám sát việc thực hiện cam kết về chất lượng và chi phí. Sử dụng và phân bổ ngân sách của thành phố dành cho giáo dục có hiệu quả hơn, đầu tư hướng tới nhóm nghèo và cận nghèo.

Cụ thể, đề án xã hội hóa giáo dục của TP.HCM đưa ra lộ trình thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu chung đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức có từ một đến 2 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện chương trình chất lượng cao trường tiên tiến, hội nhập quốc tế và TP.HCM có ít nhất 6 trường THPT và THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. 100% trường học phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh, kết nối với các cấp quản lý giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương. Đồng thời 100% học sinh được tiếp cận không gian học tập hiện đại trên nền tảng số…

Cũng trong đề án này, TP.HCM định hướng ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực bậc ĐH và sau ĐH có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm bao gồm: Công nghệ thông tin-truyền thông, cơ khí-tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính-ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị, góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.

Xây dựng và triển khai mô hình ĐH chia sẻ có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục ĐH như con người, cơ sở vật chất, học liệu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Chú trọng phát triển học liệu mở trong giáo dục ĐH bằng cách đầu tư có hệ thống vào sản xuất và sử dụng học liệu mở để cải thiện chất lượng các chương trình giảng dạy.

 Các sở ban ngành cùng tham gia 

Cũng trong đề án, UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành, trong đó Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp cùng với các cấp, ngành chỉ đạo thực hiện những giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chăm lo các điều kiện để thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học các cấp học, ngành học nâng cao chất lượng giáo dục. Nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển GD-ĐT…

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT cùng đơn vị liên quan xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước ở lĩnh vực GD-ĐT. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi các dự án đầu tư thông qua chương trình kích cầu đầu tư; phương thức đối tác công tư.

TP.HCM ưu tiên đầu tư nhân lực 8 ngành trọng điểm có trình độ quốc tế  - Ảnh 2.

Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện gặp gỡ phóng viên tại tòa soạn Báo Thanh Niên

BẢO HẠO

Sở Tài chính phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng lộ trình về học phí và các khoản thu khác phù hợp theo quy định, ban hành mức thu giá cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo phù hợp với khả năng ngân sách và khả năng chi trả của người dân.

Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp rà soát, thống kê các quỹ đất sạch (có chức năng không phải là đất giáo dục) làm cơ sở để xem xét khả năng điều chỉnh quy hoạch thành chức năng đất giáo dục, bổ sung cho nhu cầu người dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND TP.HCM ưu tiên cấp đất, bố trí quy hoạch xây dựng, thẩm định kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện xã hội hóa. Đặc biệt phối hợp, đề xuất TP.HCM cơ chế ưu tiên giao đất cho các đơn vị giáo dục hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận.

Cục Thuế thực hiện chính sách ưu đãi thuế sử dụng đất, thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài... cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện xã hội hóa theo các quy định hiện hành của nhà nước. Phối hợp Sở GD-ĐT trình UBND TP.HCM cơ chế về chính sách thuế đặc thù cho thành phố.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.