Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đặt câu hỏi “triển vọng phát triển của ngành dệt may Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới khi mà thị trường Mỹ đang chiếm tỉ trọng trên 40% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành?".
Theo ông Ân, Tổng thống đắc cử Donald Trump là một nhà kinh doanh lão luyện và là một nhà thương thuyết giỏi, những gì mà ông Trump vừa tuyên bố có thể là bắt đầu cho những thương thuyết mới. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng cần rà soát lại chiến lược phát triển của mình trên cơ sở phù hợp với những biến động của thị trường trong thời gian tới.
|
Chính phủ cần có chính sách phù hợp
Ông Lê Quốc Ân đưa ra ba kịch bản, một là vẫn còn TPP nhưng thời gian và nội hàm của nó sẽ được điều chỉnh thay đổi theo hướng tăng điều kiện hội nhập khu vực so với những gì đã ký kết. Thứ hai là không có TPP và xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ vẫn tuân thủ theo luật WTO hiện nay. Trong trường hợp này, tăng trưởng xuất khẩu sẽ lệ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Thứ ba là không có TPP và chính quyền Trump áp đặt chế độ giám sát và áp thuế chống bán phá giá trên hàng dệt may nhập khẩu từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
“Cả ba khả năng trên là bất định và khả năng xảy ra lớn nhất lại phụ thuộc vào phía Mỹ và cả phía các đối tác của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Với sự thận trọng, có lẽ chúng ta nên chọn chiến lược “bi quan trên các bất định” để xây dựng phương hướng hoạt động trong thời gian tới”, ông Ân nhận định.
Tuy nhiên, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, công ty tư vấn hội nhập toàn cầu, nói rằng “không ai cho không điều gì” nên phải có sự lựa chọn, không lệ thuộc trong quá trình hội nhập và phát triển. “Chúng tôi đến diễn đàn này mang theo một dự báo đầy tham vọng, nhưng có cơ sở, đó là trong 20 năm tới Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam”, ông Trai tin tưởng nói. Ông Trai tin rằng thị trường Mỹ sẽ đón nhận nhiều sản phẩm đa dạng của Việt Nam, chứ không chỉ hàng dệt may và da giày, trong tương lai gần.
Tham gia hội thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa kể lại câu chuyện sáng nay (20.12) xem tivi thấy thông tin cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, trong khi trước đây thị trường xuất khẩu ca tra của Việt Nam là Mỹ và cho rằng nếu chỉ chạy theo lợi ích trước mắt thì rất nguy hại cho nền kinh tế. “Chính phủ cần có chính sách phù hợp để tránh bị chi phối bởi những lợi ích trước mắt”, luật sư Nghĩa đề nghị.
“TPP không phải là duy nhất, giống như một câu lạc bộ, Việt Nam còn nhiều câu lạc bộ khác trong quá trình hội nhập”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại biểu Quốc hội lên tiếng. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Xuân Hoàng Ân, cố vấn chiến lược Win Way Việt Nam, nói thêm: “TPP chỉ là một cái “phao”, doanh nghiệp phải tự thân vận động. Doanh nghiệp cần liên tục đổi mới, chính quyền cần liên tục cải cách thủ tục để tạo cho doanh nghiệp cất cánh”.
|
Tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào, vấn đề thường trực với Mỹ trong quan hệ với các nước cũng chỉ là lợi ích của nước Mỹ mà thôi. Do vậy, theo ông Du, nhìn về mặt chiến lược dài hạn, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi của mình và cần xác định rõ lợi ích của Mỹ trong từng bối cảnh cụ thể là gì.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Huỳnh Thế Du đặt vấn đề ai sẽ là sợi dây gắn kết quan hệ Việt Nam - Mỹ trong vài thập niên tới? Theo ông, không ai khác hơn là đội ngũ du học sinh, những người Mỹ gốc Việt là những đối tượng có khả năng tạo ra sự gắn kết này.
Trước đó, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cũng cho biết hơn 21.000 sinh viên, học sinh Việt Nam hiện đang du học tại Mỹ, cùng với các chương trình hợp tác của các đại học hai nước, chương trình tình nguyện viên hòa bình đến Việt Nam giảng dạy tiếng Anh và ĐH Fulbright Việt Nam (ĐH tư phi lợi nhuận) dự kiến khai giảng vào mùa thu năm 2018 sẽ là “cầu nối” quan trọng gắn kết mối quan hệ hai nước Việt Nam - Mỹ. Đây cũng là nguồn lực mà theo bà Mary Tarnowka, hai nước cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
|
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng cho rằng con người sẽ vẫn là nhân tố chính trong sự tương tác giữa các công nghệ mới nhất của thế giới.
Ông Liêm nhắc đến ĐH Fulbright Việt Nam sắp tuyển sinh, cùng với nhiều kỹ sư gốc Việt từ thung lũng silicon (Mỹ) trở về và đang khởi nghiệp tại khu công nghệ cao TP.HCM và khẳng định: “Quan hệ tương tác kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam và Mỹ sẽ không ngường phát triển vì đó chính là lợi ích của nhân dân hai nước”.
Vinamilk mua hãng sữa Driftwood có trên 100 năm tại Mỹ
Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Châu, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP.HCM cho biết Vinamilk đã đầu tư vào California bằng việc mua lại hãng sữa Drifwood có trên 100 năm và chuyên cung cấp sữa cho hệ thống các trường học địa phương. Đây là mô hình mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cổ vũ.
|
Bình luận (0)