TP.Thủ Đức không 'tiếc rẻ' với người dân khi bồi thường Vành đai 2 TP.HCM

28/11/2024 15:49 GMT+7

Để chứng minh đơn giá bồi thường dự án Vành đai 2 chưa sát thị trường, người dân ở P.Phước Long B (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tìm các hợp đồng giao dịch cho thấy giá cao 2 - 3 lần.

Ngày 28.11, UBND TP.Thủ Đức, TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến hộ gia đình, cá nhân và tổ chức về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp).

Đây là lần thứ 3 địa phương lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi nhằm giải đáp, tiếp thu trước khi công bố phương án bồi thường cụ thể cho từng trường hợp.

Tại buổi góp ý, đa số người dân đều ủng hộ TP.HCM triển khai dự án Vành đai 2 vì bị quy hoạch treo đã 20 năm qua. Tuy nhiên, trong 32 ý kiến trao đổi thì nhiều người cho rằng dự thảo đơn giá bồi thường đang thấp hơn thị trường khiến họ không đủ tiền mua căn hộ, nền đất trong khu tái định cư hoặc nhà ở gần chỗ cũ.

Bà Nguyễn Thị Trung (hẻm 38 đường số 147, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức) dẫn chứng dự thảo phương án bồi thường, giá đất ở trong hẻm 38 chỉ được bồi thường 31 triệu đồng/m2, còn đất nông nghiệp người dân đã xây dựng nhà cửa cũng chỉ được bồi thường 7 triệu đồng/m2. Người phụ nữ này cho rằng đơn giá trên không phản ánh đúng giá trị thực tế, khiến người dân thiệt thòi.

TP.Thủ Đức không 'tiếc rẻ' với người dân khi bồi thường Vành đai 2 TP.HCM- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Trung (hẻm 38 đường số 147, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức) nêu ý kiến về đơn giá bồi thường dự án Vành đai 2 TP.HCM

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Bà Trung cho biết hồi đầu tháng 11.2024, lãnh đạo địa phương nói rằng người dân có thể thu thập, tìm kiếm các hợp đồng mua bán đất đai ở khu vực đó để đối chiếu. Sau đó, các hộ dân trong hẻm tìm kiếm được 3 hợp đồng của Văn phòng công chứng Phong Phú, hội đồng thẩm định giá do TAND TP.Thủ Đức thành lập và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.

Về đơn giá cụ thể, hợp đồng chuyển nhượng của Văn phòng công chứng Phong Phú có giá 102 triệu đồng/m2, biên bản định giá của hội đồng thẩm định giá do TAND TP.Thủ Đức thành lập thể hiện 65 triệu/m2, còn kết quả định giá của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín là 70 triệu/m2.

"Theo luật Đấu thầu, chỉ cần 3 báo giá có thể làm phương án. Tôi tính giá bình quân cho khu đất mà tôi đang ở hẻm 38 đường 47 là giá 79 triệu/m2. Tôi đề xuất lấy giá bình quân này để bồi thường", bà Trung nói, đồng thời nhìn nhận việc tăng giá bồi thường thể hiện sự công bằng, là động lực để người dân đồng thuận với thành phố làm dự án, đẩy nhanh tiến độ.

Tương tự với đất nông nghiệp, người phụ nữ này đặt câu hỏi tại sao con đường hơn 90% là đất đô thị nhưng lọt chọt mấy hộ bị tính bồi thường là đất nông nghiệp, chỉ 7 triệu đồng/m2. Người dân sinh sống ở đây nhiều đời, do vướng quy hoạch nên không chuyển mục đích sử dụng thành đất ở.

"Nếu hộ dân chỉ có một căn nhà, rộng chừng 100 m2 thì cầm tiền bồi thường không mua được nền đất, căn hộ chung cư", bà Trung phân tích, đồng thời đề nghị tính bồi thường theo đơn giá đất ở trừ đi nghĩa vụ tài chính.

Sẽ xem xét điều chỉnh đơn giá bồi thường

Dự án đường Vành đai 2 có khoảng 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 765 trường hợp cần phải bố trí tái định cư.

Dự kiến, người dân được bố trí nền đất, căn hộ chung cư tại: khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 2), khu nhà ở Công ty Đại Nhân, khu tái định cư Đông Tăng Long, khu tái định 50 ha Cát Lái, chung cư C8, chung cư R7 khu 38,4 ha và chung cư lô CD, khu 173 ha.

Một số ý kiến khác cho rằng đơn giá tái định cư quá cao, không đủ kinh phí xây dựng nhà theo thiết kế mẫu, chuyển vào khu tái định cư không có việc làm, không thuận tiện cho sinh hoạt, học tập của con cháu...

TP.Thủ Đức không 'tiếc rẻ' với người dân khi bồi thường Vành đai 2 TP.HCM- Ảnh 2.

Người dân bị thu hồi đất làm dự án Vành đai 2 tìm hiểu các khu tái định cư

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức cho biết việc thẩm định giá được thu thập 121 vị trí, mỗi vị trí có ít nhất 3 giao dịch thành. Việc xác định giá bồi thường được làm công khai, nhiều hội đồng xem xét.

Trước việc người dân cung cấp hợp đồng có giá cao hơn, ông Dũng cho biết biết nếu cung cấp thêm chứng thư, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ cầu thị, báo cáo TP.Thủ Đức để xem xét điều chỉnh, đảm bảo lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, ông Dũng cũng lý giải thêm đơn giá bồi thường là giá đất thuần còn các hợp đồng mua bán tài sản có thể còn cả nhà cửa, vật kiến trúc trên đất.

Phần lớn hộ dân bị thu hồi có vị trí 3 - 4 (trong hẻm sâu) nên đơn giá bồi thường sẽ thấp. Ông Dũng cho biết sẽ phối hợp đơn vị tư vấn, UBND phường đo đạc lại để xác định vị trí, kiểm đếm đầy đủ để có mức bồi thường tốt nhất cho người dân.

Vận dụng tối đa chính sách để hỗ trợ người dân

Ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã lập 6 tổ giám sát việc bồi thường dự án Vành đai 2. Dự án này làm vì lợi ích công cộng, không vì nhà đầu tư, cá nhân hay quan chức nào mà điều chỉnh cong tuyến đường.

"Bà con hỏi là có lợi ích của doanh nghiệp nào không, tôi khẳng định là không. Đây là con đường công cộng, đến nay chưa có phương án thu phí", ông Quyết nói thêm.

Lãnh đạo TP.Thủ Đức khẳng định địa phương không "tiếc rẻ" với người dân, nhưng vì sử dụng ngân sách nên phải thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến, TP.Thủ Đức sẽ tiếp thu góp ý, điều chỉnh đơn giá cho sát, hợp lý với từng trường hợp cụ thể.

TP.Thủ Đức không 'tiếc rẻ' với người dân khi bồi thường Vành đai 2 TP.HCM- Ảnh 3.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức giải đáp những vấn đề mà người dân quan tâm

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Ông Quyết cho biết các đơn vị sẽ vận dụng tối đa quy định pháp luật để hỗ trợ hộ khó khăn, gia đình chính sách, nhà đông nhân khẩu (từ 7 người trở lên). Về nhà trên đất nông nghiệp, UBND TP.Thủ Đức đang xin ý kiến cơ quan TP.HCM để những trường hợp xây dựng trước tháng 7.2014 có mức hỗ trợ cao nhất.

Về phản ánh giá tái định cư cao, ông Quyết lý giải giá tái định cư được tính theo bảng giá đất, không thể thấp hơn. Trong khi đó, người dân được bồi thường cao hơn nhiều so với bảng giá đất, ít nhất 30%. Toàn bộ khu tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, người dân nộp tiền sử dụng đất thì sẽ được cấp sổ, có thể sang nhượng mua bán.

Nếu người dân chưa có tiền xây nhà theo thiết kế, địa phương cũng xem xét cấp phép xây dựng nhà cấp 4, được hoàn công, cập nhật vào giấy chứng nhận. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng đối với hộ chính chủ, còn trường hợp mua lại thì phải xây theo nhà mẫu.

Đối với phản ánh xác định vị trí đất không phù hợp, ông Quyết khẳng định sẽ giao các đơn vị đo đạc ngay, xuống từng nhà dân đo vị trí, khoảng cách đến đường chính, vị trí nào có thể nâng lên được thì sẽ điều chỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.