>> Thật giả "trà chanh chém gió"
Mặc dù nhiều nơi bán trà chanh pha hóa chất đều cố gắng ngụy trang bằng nhiều cách để người uống tin là trà chanh thật, nhưng nếu các "thượng đế" để ý một chút sẽ nhận ra trà chanh thật và giả.
Trà chanh chứa hóa chất gây gắt cuống họng
Quay lại với những ly trà chanh chúng tôi đã dùng ở các quán trà chanh lề đường trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), sau khi uống vài phút có cảm giác đắng ở lưỡi, gắt ở cuống họng, tạo cảm giác buồn nôn, cồn cào ở bụng... Đặc biệt, cảm giác gắt ở lưỡi và cuống họng sau hơn 1 tiếng vẫn tồn tại.
|
Thạc sĩ Nguyễn Thị Cúc, giảng viên chuyên về trà, cà phê và đường, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết đường hóa học (saccharin) có độ ngọt gấp 500-600 lần so với đường saccharose (đường cát thông thường). Vì vậy, chỉ cần bỏ một lượng rất nhỏ là đã có thể tạo độ ngọt cho ly nước chanh.
“Trước đây, đường hóa học là loại bị cấm dùng trong thực phẩm vì loại đường này không mang lại năng lượng như đường saccharose và bị nghi là gây ung thư. Nếu sử dụng đường này trong trà chanh, sau khi uống vài phút, người uống sẽ có cảm giác gắt ở cuống họng khá lâu”, bà Cúc cho biết.
Theo bà Cúc, để ly nước chanh có độ ngọt và chua đủ ngon thì cần ít nhất 1/2 - 1 trái chanh cùng với lượng đường khá nhiều. Vì vậy, những ai bán trà chanh muốn lời thì phải dùng đường hóa học và bột chua thay thế.
Riêng về trà, thạc sĩ Cúc cho biết loại trà tốt nhất cho sức khỏe khi uống là trà xanh. Nếu trà pha ra để từ sáng đến chiều sẽ bị oxy hóa, sinh ra các loại chất có hại cho sức khỏe. Nếu để qua ngày, trà sẽ bị thiu.
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Thí nghiệm Sinh hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết qua mô tả có thể hiểu bột tạo chua ở đây chính là axit citric cùng với một số hỗn hợp axit khác để tạo độ chua như chanh.
Theo thạc sĩ Tuấn, thường chanh không giữ được mùi lâu, nên trong trường hợp pha sẵn, người ta sẽ dùng hương chanh cho vào.
Nước lã + hóa chất = trà chanh?
“Để pha một ly trà chanh không có chanh và đường cát chắc chắn người ta sẽ dùng đường hóa học, chất tạo chua (axit citric), chất tạo màu và chất tạo mùi”, thạc sĩ Tuấn khẳng định.
Thạc sĩ Tuấn cho biết thêm, do các chất này có nguồn gốc không rõ ràng nên hỗn hợp axit, chất tạo màu, tạo mùi có thuộc loại cho phép sử dụng trong thực phẩm hay không rất khó đoán định.
|
Theo các chuyên gia hóa học, bột trà được bán ở chợ Kim Biên có khả năng là loại bột có pha màu, mùi và tạo vị chát để thay cho chất tanin (tạo vị đắng, tốt cho sức khỏe) có trong trà; và để tạo ra loại bột này không hề khó khăn gì.
Đối với các loại hương liệu tạo mùi trà và mùi chanh, loại dùng trong thực phẩm thường được lọc sạch các tạp chất, tinh sạch hơn để dùng thay vì hương liệu công nghiệp (dùng cho nước rửa chén, xà phòng,...).
Về mùi hương trong thực phẩm và công nghiệp thì gần như giống nhau. Đó là lý do hương chanh trong trà chanh hóa chất có mùi không khác mấy so với hương chanh trong nước rửa chén thông thường.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, vì hương chanh và hương trà sử dụng ở các quán trà chanh không có nguồn gốc, không được kiểm nghiệm xem có đúng tiêu chuẩn hay không nên khả năng không được lọc sạch các tạp chất là điều dễ dàng xảy ra.
Riêng với phô mai que, thạc sĩ Tuấn cho biết phô mai (bơ lên men) thực sự có thể kéo dài và dai như kẹo cao su. Tuy nhiên, loại phô mai này thường phải nhập từ nước ngoài về, cụ thể là Úc với giá khá đắt, không dưới 120.000 đồng cho khoảng 200 g. Người ta phải lọc chất béo khỏi sữa, ép thành sợi và cho lên men,… trải qua nhiều giai đoạn.
“Nếu một thanh phô mai que bán với giá 6.000-10.000 đồng nhưng lại có thể kéo giãn như vậy thì rõ ràng không bình thường”, ông Tuấn lo ngại.
Ở chợ Kim Biên (TP.HCM), giá bột chua khoảng hơn 30.000 đồng/kg, hương chanh là 250.000 đồng/lít. Khi mua lẻ hương chanh, người bán sẽ rót sang chai nhỏ với giá 30.000 đồng/100 ml và cho biết chỉ cần 1 giọt nhỏ vào 1 ly đã khiến ly nước thơm nức mùi chanh. Với bột trộn sẵn thì khoảng trên 100.000 đồng/kg, nhưng phải đặt trước. Ngoài chợ Kim Biên, tại một số cửa hàng ở chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), người mua cũng dễ dàng tìm thấy các loại hương liệu từ sầu riêng, hương bắp, sâm dứa,… hay bột cà phê, bột sữa, bột béo không rõ nguồn gốc. |
Hoàng Quyên
Bình luận (0)