Chắc chắn, anh không nhớ mình đã uống cạn đáy ly trà đá thứ mấy nhưng cô đếm chính xác người phục vụ đã châm nước vào ly của anh năm lần, trong khi đó ly của cô chưa vơi chút nào.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Ly đá chanh của cô vẫn đầy, những giọt nước ngưng tụ bên ngoài bắt đầu ngoằn ngoèo chảy xuống đĩa lót. Máy lạnh gần như hoạt động hết công suất và ngoài kia, qua cửa kính, nắng rực tươi một màu trắng đến lóa mắt. Đường phố chật chội, rối nùi bởi người xe nườm nượp trôi đi, cua quẹo; đàn ông áo khoác, khẩu trang, phụ nữ thì đầu chân trùm kín chỉ chừa đúng đôi mắt. Mùa hè đang vào đỉnh điểm. Không hiểu sao cô không cảm thấy khát dù trước đó cô đã ăn một tô bún bò và có lỡ tay nêm hơi quá. Có thể do đĩa rau ghém cùng miếng chanh vắt vào đã cân bằng vị mặn chăng? Hay bởi không gian mát lạnh đã khiến cơ thể không có nhu cầu nạp thêm nước? Trước đó, anh cũng ăn tô bún bò hệt như cô và cô thấy anh không bỏ thêm gì, cũng không đụng đến đĩa rau ghém. Lúc người phục vụ dọn đi nó vẫn còn vun ngọn. Đúng là nhu cầu mỗi người khác nhau, một món ăn người này thấy vừa, người kia bảo nhạt, lại có người kêu mặn; người thích ly chè ngọt, người chỉ ăn lờ lợ, không phải họ lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe mà vị giác của họ dị ứng với chất ngọt; có người ăn được cay, có người phản ứng mạnh; người thích đắng, người không chịu được… Thượng đế công bằng và vô tư trong việc tạo ra loài người và cho họ thể tạng riêng để khẳng định tính đa dạng và luật quân bình được này mất kia trong cái đa dạng đó.
Họ ngồi ở vị trí sát tường kính nhìn ra đường. Bên ngoài là bồn hoa ngoi lên một cây ốm tong, cao ngồng, suy dinh dưỡng, vẻ như nó đã gắng hết mức mới có một bông nhỏ, cánh nhọn, mỏng, màu cam nhạt không thể tươi hay nhạt hơn nữa. Cô không biết chính xác tên hoa này nhưng cô đoán nó thuộc giống chuối hay lan huệ. Bên dưới, loe ngoe vài màu xanh không ra cây cũng chẳng phải cỏ và có ba hộp sữa bằng giấy rất vướng mắt như lâu rồi không có ai dọn dẹp, chăm sóc. Cứ nhìn luồng xe máy trôi như tên trong dòng chảy ngoài đường và hai người bảo vệ luôn phiên dắt xe vào, lấy xe ra cho khách, hay những người phục vụ bên trong lặng lẽ tới lui bưng bê, châm nước, tính tiền, không ai rảnh và cũng chẳng ai quan tâm, đôi khi sự hiện diện của cây hoa lại bày thêm việc (vốn đã khá nhiều và chẳng có gì hứng thú nếu không nói là rất chán) đủ hiểu tại sao bồn hoa bị bỏ phế. Trên mảng tường trước mặt cô, ngoài bức tranh gỗ chạm khắc công phu, cầu kỳ còn có một chiếc đồng hồ treo tường màu nâu với hai cây kim hình mũi neo hơi thô nhưng cây kim giây lại mảnh mỏng và dài như lá lúa.
Câu chuyện anh kể đến hồi cao trào. Khi ấy, anh đối diện với cái chết chỉ trong tích tắc, tan xương, nát thịt như chơi không chỉ riêng bên anh mà còn nát ngấu thêm hai chiếc xe khác nữa lao tới ngược chiều. Anh nói: “Nhạc trong xe lúc đó cũng phát bài Mùa hoa Muguet đã đưa ký ức anh lùi lại những năm tháng với Q. trong trường đại học”.
Anh dừng câu chuyện để lắng nghe bài hát tiết tấu nhịp nhàng, giai điệu đẹp, trong trẻo và an lành rồi anh nói với cô rằng lần đầu tiên nghe lời tiếng Pháp anh đã không khỏi ngạc nhiên, nhưng rất hợp cảnh bởi cũng là lần đầu tiên anh gặp Q. Giọng anh chậm đều, có lúc cô không nghe anh nói gì, cô đang nghĩ về một mùa hoa ngắn ngủi nhưng mang thông điệp của hạnh phúc và may mắn. “Sẽ không có ngày đầu của tháng năm nếu không có hoa Muguet” (1). Những đóa hoa rồi sẽ tàn. Nhưng với đôi ta sẽ không có gì thay đổi. Vẫn luôn đẹp tươi và mãi mãi. Như những tình khúc anh đã hát. Trong ngày đầu yêu nhau (2). Anh bỗng nói lên điều cô vừa thoáng trong đầu, với bài này, cô không thích giọng hát ngọt ngào, mềm mại, có chút nũng nịu của Mireille Mathie bằng giọng trễ nải, lười biếng, cố ý kéo rê của Francis Lemarque.
“Công tơ mét chỉ 80 km/giờ thôi, nhưng một thằng xe máy có lẽ say lắm rồi bất ngờ từ trong lao ra, anh không hiểu sao có thể đánh tay lái nhanh như không thể nhanh hơn nữa, dạt qua bên kia đường để tránh nó, vừa lúc trước mặt anh lù lù hai chiếc xe ào tới. Có bàn tay ai giúp anh bẻ ngoặt vô lăng lách sang lại bên này đường. Chỉ trong tích tắc, nhưng anh còn kịp bình tĩnh liếc kính chiếu hậu xem thằng say rượu thế nào. Đến khi dừng xe hẳn, mở cửa bước xuống đường, vô thức, anh nhìn đôi bàn tay, quần áo và giày để xác định mọi thứ vẫn còn tồn tại, nguyên vẹn”.
Anh nốc cạn ly trà đá thứ sáu. Cô đứng lên đi vào toilet. Cô không có nhu cầu nhưng muốn kiểm tra lại môi son. Cậu phục vụ tiến đến châm nước vào ly anh, vẻ như cậu chỉ có nhiệm vụ duy nhất là canh chừng ly nước của anh vơi đến đâu. Liếc nhìn ly cô vẫn còn đầy, cậu lùi đi một cách rất nhẹ nhàng. Giọng hát trẻ thơ trong trẻo thật dễ thương đuổi theo cô. Tại sao con gà đẻ trứng hả ông? Để những quả trứng ấy nở ra con gà, cháu ạ. Tại sao những người yêu nhau lại hôn nhau? Đó là những con bồ câu gù nhau đấy (3). Giai điệu rộn rã, vui tươi luân phiên bằng những câu hỏi tại sao của một cô bé và lời giải đáp của người ông, khiến cô nhớ con gái bé bỏng của cô quá đỗi. Chúa trời giàu lòng nhân từ ban cho cô một thiên thần, thông minh, đẹp đẽ, ngoan hiền. Một ngày Chúa lấy lại, đưa bé về trời bỏ mặc hai tâm hồn đau khổ, lạc lõng, bất lực và cuối cùng họ không muốn cùng nắm tay nhau đi hết quãng đường (không biết dài bao nhiêu). Mãi sau, vừa khi cô nhận ra sự phi lý của vấn đề là lúc bạn cô đến báo cho biết có tấm thiệp cưới một bên là tên chồng cũ. Tại sao biển cứ lên xuống thế hả ông? Để nói với chúng ta rằng nó vẫn còn đó. Cuộc sống vẫn trôi, cô hiểu rằng, khi mọi thứ chưa đặt dấu chấm hết thì vẫn phải gắng vui lên mà tiếp tục cho tới khi cô gặp anh. Thế nhưng, một linh cảm mơ hồ, dường như anh không phải là của cô mà cũng có thể cô không thích anh là của cô.
Cô dặm lại màu son. Trông cô mới hơn một chút nhưng vẫn phảng phất nét cũ buồn khó xóa. Đến lượt cô bé trả lời những câu hỏi của người ông. Tại sao trái tim ta đập tích tắc? Đó là vì mưa rơi, ông ạ. Vậy tại sao thời gian lại trôi qua nhanh đến thế? Vì gió cuốn nó đi. Tại sao con nắm tay ông? Vì con thấy hạnh phúc khi ở bên ông. Lời nói nhỏ dần, giai điệu lắng dần rồi chấm dứt. Trong gương, cô thấy mắt mình đỏ hoe. Cô có mang theo phấn và chì kẻ mắt nhưng cô không muốn rửa mặt. Trang điểm lại sẽ rất mất công. Cô rút khăn giấy chặm nhẹ những giọt lệ vương bên khóe và đẩy cửa bước ra ngoài. Giai điệu trôi nhanh, mạnh mẽ, vui nhộn một bài hát nào đó cô không chú ý lắm bởi cô bận nhìn anh đang cầm tấm thực đơn. Có lẽ anh chọn món cho bữa trưa. Khi nãy anh có hỏi cô là thích ăn trưa ở đâu? Cô bảo ở đây có phục vụ cơm trưa, mình có thể ngồi nói chuyện mà không mất thời gian đi kiếm tiệm ăn rồi lại loay hoay tìm một quán cà phê nào đó. Họ rất vui vẻ nếu anh gọi thêm vài ly cà phê nữa hoặc họ cũng sẵn lòng nếu anh chỉ uống trà đá sau bữa cơm.
Anh đẩy tấm thực đơn qua khi cô vừa ngồi xuống ghế:
“Em gọi đi”.
Chủ yếu là cơm trưa văn phòng và vài thức ngọt giữa bữa. Người phục vụ hỏi cô thích hai phần riêng hay các món ăn chung? Cô nhìn anh và không đợi anh trả lời, cô chọn canh khổ qua thịt bằm, mực xào, cá thu kho tộ và dưa giá. Anh nói, những món ăn công thức căn bản trong một bữa cơm gia đình chuẩn mực. Rồi anh nắm lấy bàn tay cô đang đặt trên bàn, nhìn thật sâu vào mắt cô:
“Mình cưới nhau đi em, vài năm nữa anh già mất!”.
Cô để yên tay mình trong tay anh. Giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ấm áp và tha thiết. Tôi yêu em và luôn yêu em, tình yêu đầu tiên của tôi, hạnh phúc của tôi, nỗi đau của tôi… Tôi yêu em và tôi sẽ mãi yêu em…
“Em sợ”.
“Em sợ gì?”.
“Em sợ những thiên thần đến và rời bỏ em đi”.
“Thôi nào. Đóng quá khứ vĩnh viễn lại đi em. Mọi thứ sẽ tốt đẹp mà!”.
Cô lắc đầu.
“Em không có can đảm để bắt đầu lại. Thà em chịu cô đơn mình em. Hết kiếp này!”.
Anh bóp nhẹ tay cô rồi thả ra, rồi vỗ nhịp chậm.
Hình như những bài hát được mở từ một trang nhạc (lời) Pháp online, không có bài nào lặp lại. Họ đã ngồi gần bốn giờ và chưa nghe một tựa bài trùng. Kho tàng âm nhạc của nhân loại là vô tận, một đời người, nghe và hiểu được chỉ hạt cát thôi đã là nhiều. Giai điệu lại trỗi lên đẹp, dịu dàng nhưng ray rứt mà vốn nguyên thủy nó không phải là bài hát buồn. Một bài thơ được phổ nhạc viết riêng cho một vở nhạc kịch. Từ nguyên bản gốc thêm ra vài lời hát với vài ngôn ngữ. Từ chuyện ngụ ngôn, một chú bê con bị mang ra chợ bán, ước vọng tự do khi nó nhìn thấy con chim én bay lượn ca hát, khi qua ngôn ngữ khác nó lại thành câu chuyện một cậu bé có ước muốn trở thành người lớn nhưng khi đạt được mơ ước rồi cậu lại thấy hối tiếc quãng đời tuổi thơ đẹp đẽ. Thế nhưng, trong trí cô lại hiện lên những ngày rất buồn. Em nằm đó sao thôi cười thôi nói. Em theo mây bay quên cuộc đời, đời đầy nghĩa thương đau (4). Thiên thần của cô trong trẻo, chưa được chạm đến thú đau thương của cuộc đời. Thiên thần của cô đã nương theo mây bay đi tìm trời…
Anh nhìn cô:
“Mỗi lời bài hát là một câu chuyện. Người viết gửi cảm xúc mình vào giai điệu và biến nó thành một câu chuyện khác hẳn nguyên gốc ban đầu. Còn có người cho rằng đó là tâm trạng một người đàn ông khi trở về ngồi trên thềm nhà rêu phong đã bật khóc, nhớ đến những ngày thơ ấu và ngậm ngùi trắng tay khi nghĩ về những ước mơ bé dại… Người trình bày bài hát thổ lộ tâm trạng của mình và từng người nghe lại thấm và trải các cảm xúc khác nhau. Điều tuyệt điệu của âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung là vì thế. Nó giúp người ta sống và đôi khi lại khiến người ta buông xuôi”.
Bàn tay anh rời bàn tay cô khi người phục vụ mang ra các món bày lên bàn. Anh đứng lên đi vào toilet. Cô mở túi lấy điện thoại theo thói quen phải ngồi một mình. Hai cuộc gọi nhỡ, của đồng nghiệp và của chồng cũ. Một tin nhắn SMS và hai tin nhắn từ Facebook Messenger. Cô mở SMS. Là của chồng cũ: “Anh gọi cho em không được. Anh cần gặp em”. Đã không liên lạc với nhau ba năm rồi, cô biết tính anh, phải có chuyện gì gấp gáp và tối cần thiết... Cô bấm gọi lại. Chưa hết hồi chuông, điện thoại cô rung nhẹ báo hiệu bên kia bắt máy. Giọng anh run run, nghẹn ngào:
“Con gái anh, con gái…”.
Tự nhiên cô thấy mình rất bình tĩnh:
“Em nghe đây”.
“Con gái anh không qua được sau một cơn bệnh mà anh đã chủ quan cho là rất nhẹ”.
Tay cô rụng rời, cả người cô bải hoải, tâm trí cô bàng hoàng. Bên kia dường như anh đang khóc:
“Tại sao, tại sao vô lý vậy. Tại sao bi kịch lại rơi vào anh đến hai lần?”.
Anh còn nói gì nữa nhưng cô không nghe rõ.
Cô hỏi: “Bây giờ anh đang ở đâu?”.
“Anh xin lỗi đã làm phiền em, nhưng anh thấy mình đang rơi xuống vực sâu”.
“Cho em biết anh ở đâu, em sẽ đến”.
“Cám ơn em. Anh nghĩ mình cần bình tĩnh hơn. Anh sẽ gọi cho em sau”.
Không còn tiếng nói. Cô gọi lại, nhưng chỉ nghe những tiếng tút ngắn báo hiệu bên kia đã tắt điện thoại hay đang bận. Cô bấm hai lần nữa, chỉ có những tín hiệu ngắt kết nối bảo là không liên lạc được.
Anh trở lại bàn, nhìn cô ngạc nhiên vì vẻ thẫn thờ hiện rõ trên gương mặt:
“Em sao thế?”.
“Không có gì!”.
“Chắc chắn đã xảy ra chuyện gì”. Anh nhìn quanh.
“Anh ăn cơm đi”.
Cô mở giấy bọc đũa, muỗng và đưa cho anh. Anh cầm lấy, mắt không rời gương mặt cô. Cô gắp vào chén của mình. Tay cô hơi run. Anh đưa cô ly nước. Cô uống một hơi mà không phải vì khát. Một ly nước luôn giúp lấy lại cân bằng. Giọng hát trẻ thơ, giai điệu trong sáng, tươi vui, hồn nhiên nhưng là một bài hát buồn. Hôm nay chủ nhật, thời tiết thật đẹp. Cả hai người họ cùng nhau đi vào rừng. Bố khẽ nghiêng người hôn lên má mẹ. Bố và mẹ, mẹ và bố thật hạnh phúc. Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố… Mẹ bị ốm rất nặng vào tháng mười hai. Đó là tháng của những em bé. Khi bố bước ra khỏi phòng của mẹ, tôi tin chắc bố đã khóc (5).
“Anh rất lo lắng nếu em không cho anh biết có chuyện gì!”.
“Chồng cũ của em vừa gọi nói rằng con gái anh ấy đã không qua khỏi!”.
Anh lặng người, buông đũa. Quả thật, có giỏi tưởng tượng lắm, anh cũng không bao giờ nghĩ đến tình tiết này.
“Bây giờ em định sao?”.
“Anh ấy không cho biết đang ở đâu”.
“Anh sẽ tìm được vị trí của anh ấy từ số điện thoại gọi cho em. Em có muốn đến với anh ấy không?”.
“Em không biết nữa...”.
“Thôi, ăn cơm đi em. Sau bữa ăn sẽ nghĩ ra cách hay nhất”.
Canh khổ qua đắng nghét, miếng cá khô khốc trong miệng cô và gắp cơm thì nhạt nhẽo, vô vị, vô hồn. Cô bỏ đũa khi chưa hết nửa chén cơm.
Người phục vụ dọn các thứ đi rồi, anh hỏi cô số điện thoại và thời gian cuộc gọi của chồng cũ. Cô thấy anh lấy điện thoại và bấm gì đó thật lâu rồi anh ngẩng lên nói với cô:
“Nếu em cần, anh sẽ đưa em đi”.
Cô lắc đầu và bảo:
“Mình về thôi anh”.
“Em muốn đi đâu không?”.
“Em về nhà. Em cần một mình”.
Họ đứng lên bước ra cửa. Giọng hát ấm áp, ngọt ngào, giai điệu mượt mà, trải dài miên man nhưng day dứt đuổi theo họ. Cô cảm giác như Art Sullivan nói hộ cô: “Em không muốn hiểu anh, không muốn đợi anh. Em đi qua anh không nhìn lại. Em chưa từng muốn gì nơi anh… Em chưa giây phút nào yêu anh… Em chưa từng đòi hỏi gì nơi anh… Vĩnh biệt anh…” (6) .
Những lời giã biệt tha thiết, giai điệu cuống quýt, hối hả nhỏ dần khi cửa kính từ từ khép lại. Nắng xế đang rất quái, dòng chảy và âm thanh đường phố vẫn trôi ồn ào tất bật. Cô biết mình sẽ đi đâu khi vừa nghĩ ra người bạn đã tìm đến cô lần báo tin đám cưới của chồng cũ.
Bình luận (0)