Cụ cho biết bạn gốc Bắc có các cụ Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê; bạn gốc Nam có Lê Ngọc Trụ, Lê Thọ Xuân... Họ là những bạn tâm giao mà cụ đã có nhiều lần hàn huyên, trao đổi cùng nhau lúc "trà dư tửu hậu".
Tuy nhiên, qua tài liệu này, lần đầu tiên tôi được đọc vài nhận xét của cụ về nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn. So về tuổi tác, cụ Sển sinh năm 1902, cụ Hãn sinh năm 1906. Chắc chắn cả hai chưa hề gặp mặt nhau nhưng lời nhận xét của cụ Sển chan chứa cảm tình: "Theo tôi chỉ có Hoàng Xuân Hãn mới đúng là người có học. Đất Bắc có diễm phúc bị Pháp chiếm đoạt trễ, từ 1884, cho nên người Bắc có thời gian học chữ Hán và nhà nào dư dả cho con học đủ ngành. Ông Hoàng Xuân Hãn lão thông chữ Hán, có sách Hán Nôm cũ do nhà để lại, học toán, học nghệ, học văn Pháp do thầy cao học truyền bá nên học giả hoàn toàn" (viết ngày 21.7.1996).
Nhận xét này đúng, bởi như chúng ta đã biết, cụ Hoàng Xuân Hãn đã trở thành một nhân vật lỗi lạc ở nhiều lĩnh vực, "hiện thân của bộ óc bách khoa Việt Nam ở thế kỷ XX này" (Những gương mặt trí thức - NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội, 1998). Sau khi cụ mất, việc xuất bản bộ sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (3 tập - NXB Giáo dục 1998) được báo chí VN ghi nhận là một trong những sự kiện quan trọng của đời sống văn hóa năm 1998.
Còn có một người bạn thân thiết khác với cụ Sển, cũng sinh ngoài Bắc, là học giả Nguyễn Thiệu Lâu. Cụ Lâu là nhân viên của Đông Dương Bác cổ học viện, làm việc dưới sự hướng dẫn của cụ Nguyễn Văn Tố, là tác giả bộ sách Quốc sử tạp lục rất có giá trị. Hồi ký của nhà văn Sơn Nam cũng dành nhiều tình cảm quý mến cụ Lâu.
Tác giả Hương rừng Cà Mau kể vào năm 1963, lần nọ gặp cụ Lâu đang ngồi nhậu ba xị đế ở quán Tân Cúc Mai tại Ngã bảy Lý Thái Tổ: "Ông Lâu mang kiếng cận, mặc quần áo ka ki vàng, ống chân bó túm lại như người đang đi điền dã. Tôi tự giới thiệu, ông chạy lại ôm tôi. Hỏi nhờ chuyện gì, tôi bảo là theo chân ông để học "lóm" về sử địa nước nhà". Câu nói của Sơn Nam chứng tỏ cụ Lâu bấy giờ đã là nhân vật tên tuổi, có vị trí học thuật ở trong Nam.
Khi đọc di cảo của cụ Sển, tôi thật bất ngờ khi biết mối quan hệ giữa cụ Sển và cụ Lâu có kỷ niệm thật tức cười. Cụ Sển viết:
"Nguyễn Thiệu Lâu (đã mất) học ở Sorbonne Paris về, tánh kỳ, coi trời bằng nắp vung, hý hỡn bị cụ Nguyễn Văn Tố sửa lưng hoài mà không chịu tỡn. Vào Nam bất đắc chí, chơi thân với tôi. Nhà tôi có một chai Rhum Mana góc vuông, khi chai cạn, Lâu và tôi đi dự cocktail tòa sứ Pháp, Lâu lúc gọi tôi "thằng này thằng kia, toi toi moi moi". Ngà ngà say, tôi nói lớn:
- Lâu à, sinh viên trong Nam có tánh lấc khấc cao ngạo, ta nên dè dặt.
Lâu đáp:
- Vâng.
Tôi nói:
- Tôi trong Nam, gọi tôi "cụ Nam" và tôi gọi Lâu "cụ Bắc".
Lâu ưng chịu, giây lát cầm ly rượu hô to:
- Sển, tao trả lại cho mày, không làm "cụ Bắc".
Cụ Nguyễn Thiệu Lâu bị mắc lỡm bởi cụ Sển trổ ngón nghề nói lái - vốn là sở trường của cụ trong cách chơi chữ.
Với nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê - hiệu Lộc Đình, cụ Sển đã viết khá dài về người bạn vong niên này. Trong Tạp lục 89/90, cụ tâm tình: "Anh Lộc Đình xuất thân trường Bưởi, qua học tiếp nơi trường Cao đẳng Hà Nội, ngạch công chánh, ra trường, được bổ vào làm việc đo mực nước khắp vùng Đồng Tháp và nhiều tỉnh thuộc Hậu Giang, anh có vốn chữ Nho, vì là con dòng, anh tự học thêm chữ Anh đủ đọc và hiểu sách Ăng-lê, anh mất năm 1984, để lại hơn trăm bộ sách thẩy đều soạn kỹ, nay tôi lấy ra đọc mà bắt giựt mình, anh Lê tài học tôi kém xa, tài viết vừa gọn vừa không dư chữ, tôi theo không kịp, vậy mà tôi cũng được ngồi chung một chiếu, nghĩ mà tự thẹn nỗi mình.
Anh Hiến Lê tự vạch một nhân sinh quan và cứ theo đó mà mạnh bước trên đường viết lách. Trái lại tôi không biết nhân sinh quan là gì, sở dĩ tôi viết vì bụng đói, và có nhiều tật, muốn có nhiều tiền để thỏa mãn hai tính tham, tham đồ cổ và cũng để di dưỡng tâm tình, mê sách cũ, để học thêm và để thưởng thức học hỏi".
Nhận xét của cụ Sển về cụ Lê, tôi cho rằng, không phải khiêm tốn mà cụ nói thật lòng mình. Và cụ Lê cũng thân thiết với cụ Sển nên trong hồi ký của mình có đôi dòng khái quát về tính cách của nhà chơi cổ ngoạn uyên bác bậc nhất, cụ Lê viết: "Ông rất quý thời gian, nên có người tưởng lầm là ông khó tính; thực ra với bạn văn đứng đắn thì luôn luôn vui vẻ tiếp đãi, bỏ cả buổi để cho coi đồ cổ và giảng về thời đại, giá trị của mỗi món. Mỗi cuốn sách, mỗi món đồ của ông đều đánh số, ghi số và có thẻ riêng". Phải thân thiết, lui tới thăm nhau nhiều lần thì mới có thể viết cặn kẽ từng chi tiết.
Cụ Nguyễn Hiến Lê còn cho biết: "Vương Hồng Sển bạn thân của Lê Ngọc Trụ, cũng là một học giả nổi tiếng". Di cảo chưa công bố của cụ Sển có đoạn: "Anh Lê Ngọc Trụ, người ở Chợ Lớn, miền Nam. Anh để lại bộ Chánh tả Việt ngữ, tôi cần dùng mỗi ngày". Được biết, di cảo Tầm nguyên Việt Nam tự điển của học giả Lê Ngọc Trụ được in sau khi mất, người viết lời giới thiệu là cụ Vương Hồng Sển.
(còn tiếp)
Bình luận (0)