Từ trong di cảo của học giả Vương Hồng Sển

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
08/05/2022 07:30 GMT+7

Không chỉ là một nhà văn hóa , học giả, người sưu tập cổ ngoạn nổi tiếng…, cuộc đời “ngang dọc” của Vương Hồng Sển vẫn còn nhiều góc ẩn khuất mà qua tác phẩm Chuyện cũ ở Sốc-Trăng 2 (do NXB Trẻ vừa ấn hành), nhiều câu chuyện lần đầu tiên được tiết lộ từ những trang di cảo vô giá ông đã để lại cho đời…

Chuyện cũ ở Sốc-Trăng 2 là tập khảo cứu - du ký tổng hợp từ rất nhiều tư liệu, về vùng đất Sốc-Trăng (Sóc Trăng) từ thuở xưa cho đến năm 1945. Sách đề cập đến nhiều khía cạnh: đất đai, thủy thổ, con người, phong tục, cung cấp nhiều tư liệu quý giá về vùng Sóc Trăng và Hậu Giang từ lúc người Việt mới đến khai hoang định cư.

Điểm đặc sắc của bộ sách nằm ở những chi tiết khó có thể tìm thấy trong chính sử, ví như những câu chuyện lý thú nhằm giải mã các địa danh Nam kỳ lục tỉnh. Lịch sử của một vùng đất Sóc Trăng trong giai đoạn thời cuộc biến đổi phần nào cho thấy sự chuyển động của lịch sử và văn hóa toàn miền Nam theo cuộc Nam tiến không ngừng.

Đường sá ở Sóc Trăng thập niên 1920

T.L

Bốn gian hùng ở Sốc-trăng là ai ?

Sốc-Trăng có bốn gian-hùng: Nhứt Liếm, nhì Lung, tam Trung, tứ Tạo”. Sau biến động năm 1945-1946 ở Sóc Trăng nổi như cồn với hai câu văn vần đầy bí ẩn này nhưng không biết ai đặt ra.

Về các nhân vật máu mặt của Sóc Trăng ngày đó, theo giải thích của tác giả Chuyện cũ ở Sốc-Trăng 2 viết trong sách: “Gẫm lại Tạo mới là kiệt-giảo. Liếm (Cũ Liếm, Lâm Thành Hưng), chẳng qua là tên bán rượu thuốc, trao bảng Hòa-bình tửu, đến dẹp tiệm vẫn chưa thấy Hòa, chứ đừng nói chi Bình. Để danh thiếp “Đại lý xuất nhập” này nọ vẫn bán than là củi đước rừng Cà-Mau hầm. Nhờ nhà có chỗ khuất, tụ họp không ai thấy, lập nên công nay đã mất, thế là miễn tố”.

Còn Lung, câu chuyện trở nên hấp dẫn với anh y tá coi về phòng dược nơi nhà thương. Sách cho biết: “Thấy quen toa của bác sĩ, nhảy ra làm nghề chích dạo, chuốt ngót khen thuốc này thuốc nọ mà đủ sống và vẫn chạy xe máy dầu, tôi quen rất thân, mua của Lung, từ con vụ ó, chuốt vót trong nhánh duối láng bóng. Lung rất khéo tay, chuốt ống đót ngà, làm píp hút thuốc cối bán rất chạy… Trung là một Tàu lai, nhớ như là con của bà Bang Nhép. Lấy hiệu Trung-Sơn muốn địch-thể hay bắt chước nhà cách mạng chí sĩ Tôn Dật Tiên của Trung Quốc. Trung giỏi tài nói khoác, nói quá sự thật, thét rồi không còn ai tin, nhưng tuy vậy Trung là rắn không nọc, chưa làm hại ai…”.

Nhân vật Tạo được học giả Vương Hồng Sển nặng lời nhất: “Độc, hại sâu dân mọt nước là Tạo và gia quyến Tạo. Cha là Tám “Năm-thành” có hiệu mua bán vàng và làm nữ trang, ăn trường trai, sanh gái là cô Thấm, cô Đầm, lúc chưa chồng thì bán dạng thuyền-quyên, vô ra tòa-bố làm quen với Tây với phó chủ-tỉnh, Tây xuống chưn thì mặc áo thanh nữ, ra vô dinh hành-chánh làm thân với ông Nghĩa, ông Kỳ-Hiệp, tuần lễ vàng và tuần lễ quyên đồng cứu quốc xong, Tạo bay qua Pháp trước tiên. Thấm gá duyên cùng hương hào Lai (Quách-Triều-Lai), sau làm chủ một chi nhánh ngân hàng. Cô Đầm tốt phước làm bạn cùng Mười, con ông trưởng tòa Lý Công Kiều, quốc tịch Pháp và đã bay qua Pháp. Gia đình này mới thực sự là lợi hại bởi tưởng lương thiện…”.

Cổ vật của cụ Vương hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

QUỲNH TRÂN

“Chém cha cái số ba đào…”

Đào hoa, tài năng nhưng “đường xuống dốc của cuộc đời” được ông ví von là “khúc quanh gắt máu” xảy ra vào năm 48 tuổi. “Vợ sau 19 năm đầm ấm, manh nha ngoại tình tôi xin về hưu non (1944) và từ đây cái xui cứ dồn dập theo mãi”, tác giả Hơn nửa đời hư chua chát kể lại.

“Tôi phải lìa quê hương nhau rún, lìa cha già không tròn chữ hiếu…, nhưng trong cái không may (xui xẻo) ấy, bỗng có chút may muộn gặp người bạn hiền Năm Sa-Đéc, lập gia đình mới sinh ra Bảo năm 1949, và dính gốc rễ luôn trên đất Gia Định Bà Chiểu nầy, quê Sốc ở Gia, quả “khô mộc phùng xuân”, nay như giấc Huỳnh-lương, có địa vị, có tên tuổi sự nghiệp, nhiều nhà gãy đổ, duy riêng chút đồ cổ, mớ sách cũ vẫn không hư hao, tụ tập thêm mãi, tập viết lách, gây được mối cảm tình nhiều người phương xa, ngoại quốc biết tên… Tôi biết tôi là con nhà tay làm hàm nhai, lam lụ củi lục, tôi luôn giữ mình. Tôi thi đậu hai bằng đít-lôm (diplôme) và brờ-vê (brevet élémentaire) năm 1923, vừa 19 tuổi rồi đậu luôn khoa tuyển thơ-ký chánh ngạch trào Pháp, được bổ làm thư ký 6 năm ở trường máy đường Đỗ Hữu Vị (nay là Trường ĐH Kỹ thuật Cao Thắng)”.

Ký ức về tuổi học trò đói khát, ông có những trang viết cảm động: “Nhớ cái bánh xầy buổi học lớp Năm lớp Tư trường tỉnh. Trống đánh giờ ra chơi, chạy cho kịp giành mua một bánh một xu, thả vào tô nước mắm ớt, lấy ra bánh nóng, nước mắm chảy lòng thòng, thè lưỡi liếm ngọt ngon như nước xúp, cắn nhín-nhín chung quanh cái vành, thoạt thằng ác ôn du côn xóm ma tà, cháu của thầy và to con, nó a lại đòi ăn khín và phải nhường cho nó cắn một miếng, tưởng nó biết điều, dè đâu nó xơi ngon lành con tôm chiên nằm ở giữa…”.

Tập sách được ông chấp bút như cuốn ký sự của riêng cuộc đời mình với bao hỉ nộ ái ố: “Ngày nay sức tôi một ngày một suy giảm, đánh máy như vầy thì đau lưng nhức mỏi nhưng nếu nay không ghi chép lại thì chẳng là hoài công cất giữ lâu nay, vả lại chạy loạn mà không mất âu cũng là duyên nợ chi đây. Thôi thì, ráng viết lại cho người thức giả xem chơi và bổ túc những gì thiếu sót… Lòng tôi thân tôi tuy ở Gia Định nhưng trí óc luôn luôn vẫn nhớ và không quên chốn cha sanh mẹ dưỡng là tỉnh Sốc-Trăng yêu quý…”, đủ nói lên sự lao động nghiêm túc và tình yêu của học giả Vương Hồng Sển dành cho quê hương da diết.

Năm tháng tuổi trẻ của học giả Vương Hồng Sển cũng không toàn màu hồng. Chuyện vì sao lại có… ngã rẽ vào nghề chơi đồ cổ, ông cho biết: “Năm 1928, để tránh nợ để lại của bố vợ (ông Trần Văn Kính), tôi xin đổi về tòa-bố Sa-Đéc, nhờ ở đây tôi học nghề chơi đồ cổ. Năm 1932 vợ chồng tôi được hưởng gia tài của nội tổ là bà Phủ An để lại, tôi đổi về Sốc-Trăng, làm nơi sở Điền-thổ. Năm 1935, tôi được rút về làm nơ tòa-bố Cần Thơ, qua năm 1938 đến 1943, tôi được rút về tùng sự tại dinh thống đốc ở Sài Gòn… Và cam tâm làm kiếm cơm ăn lương công nhựt nơi Viện Bảo tàng ở Thảo Cầm Viên, lãnh hưu-bổng tỷ lệ…”, để rồi cuộc đời cứ đẩy đưa trong hai câu: “Chém cha cái số ba đào/Mở ra rồi lại buộc vào như chơi”, ông tưởng như người xưa viết dành riêng cho mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.