Trả lời câu hỏi: 'Thơ cần cho ai?'

19/08/2020 10:34 GMT+7

Những cháu bé sinh ra và lớn lên trong chiến khu hay giữa địa hình ở chiến trường, thậm chí trong lòng địa đạo, là một nét đặc biệt kỳ lạ ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Vượt lên trên tất cả, sự sống vẫn sinh sôi một cách bình thản, đúng như cách mà cuộc sống vẫn thể hiện trên trái đất, dù hoàn cảnh ở đây là vô cùng khắc nghiệt. Với những đứa trẻ ở rừng, sự chịu đựng, thậm chí hi sinh của chúng thì những người ở xa dễ nhận ra, theo kiểu lý thuyết, hơn là những người ở gần, những người lớn sống chung với trẻ nhỏ. Những hi sinh hay chịu đựng âm thầm ấy lặn vào bên trong và thật khó biết, vì nó bị sự hồn nhiên bẩm sinh của trẻ con làm mờ đi. Nhưng đôi khi, ta thoáng nhìn thấy, cái khát khao vụng dại, cái khát khao khó gọi tên nhưng có thật, hiện lên nơi những cặp mắt ngây thơ.
Ở rừng, tôi không quan sát trẻ con, mà tôi sống bình thường với chúng. Nhưng có một lần, giữa một đêm sinh hoạt của cơ quan, hình như là tổ chức đón Trung thu cho các cháu, thì một cháu 12 tuổi, tên là Đặng, cần vụ của thủ trưởng cơ quan, đột nhiên đề nghị tôi đọc thơ. Về cháu Đặng này, thì có nhiều chuyện vui. Cháu là cần vụ cho thủ trưởng, nên tôi với Tư Xuân hay trêu cháu bằng… thơ, dĩ nhiên thơ "độ" lại:
"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức mà mần
Cháu Đặng hãy xứng đáng
Là cháu bác… Hai Vân"
Bác Hai Vân là sếp của cháu Đặng, cũng là thủ trưởng của chúng tôi.
Tôi hết sức ngạc nhiên sao cậu bé Đặng biết tôi có làm thơ? Thì ra, một lần tôi đã đọc bài thơ về đám trẻ con trong rừng cho Đặng nghe, và cháu nhớ. Đặng yêu cầu tôi đọc lại đúng bài thơ ấy. Vào đêm Trung thu. Một đêm Trung thu mà chúng tôi không nhìn thấy trăng rằm đâu cả. Bởi trăng đã bị những tầng cây rừng che khuất. Không nhìn thấy trăng đêm Trung thu, đó cũng là một sự hi sinh của những đứa trẻ trong rừng.
Cháu Đặng này, năm nay chắc cũng đã 60 tuổi, không biết giờ cháu sống ở đâu? Khi vào chiến khu làm “Việt Cộng nhí”, cháu Đặng khoảng 12 tuổi. Thực ra, chẳng ai biết tuổi thực của cháu là bao nhiêu. Chỉ biết, khi vào R, cháu gần như không biết chữ. Ở cơ quan có một lớp học bổ túc tự giác, do một anh có học dạy những đứa em ít được học. Chẳng biết Đặng có theo lớp này không, vì các anh chị học viên đều lớn tuổi hơn Đặng và đều… biết chữ cả rồi. Học thêm nhiều thứ khác thôi.
Tôi thích chuyện trò với Đặng, thỉnh thoảng lại trêu đùa em. Đặng trông khá bặm trợn, nhưng lại rất ngây thơ. Phục vụ thủ trưởng hết mình, và nghe lời thủ trưởng tuyệt đối. Một em bé như thế, nếu chỉ nhìn qua, không ai nghĩ em lại thích… thơ, một “món” coi bộ hơi bị lạc, và không ai biết dùng làm gì khi ở rừng già. Cũng lạ, cơ quan tôi chỉ vài người biết tôi có làm thơ, thì trong vài người đó, lại có Đặng, một trẻ em gần như chưa biết chữ.
Khi Đặng đề nghị tôi đọc bài thơ Trăng trong rừng và những đứa trẻ trong đêm liên hoan Trung thu giữa rừng già, tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Tôi đọc bài thơ cho cả mọi người nghe, nhưng hướng chính là về phía Đặng. Khi tôi đọc xong bài thơ, mọi người vỗ tay, riêng Đặng tỏ ra phấn khích. Rồi đột ngột, em lặng lẽ. Tôi không biết lúc đó em nghĩ gì.
Những người làm thơ, có lúc nào chúng ta quan tâm tới người nghe thơ mình, hay đọc thơ mình, xem họ nghĩ gì không? Cháu Đặng của tôi chỉ nghe thơ, có thể, vì cháu chưa tự đọc được. Nhưng tôi có cảm giác, cháu đồng cảm với bài thơ này từ một kênh riêng của cháu. Với tôi, như thế là đủ cho một niềm hạnh phúc bất ngờ và lâng lâng. Tới đây, có thể trả lời câu hỏi: Thơ cần cho ai? Thơ cần cho những ai cần nó. Vậy thôi. “Thơ cần cho ai/không cần cho ai/nào biết/thở bằng thơ/cho tới chết”.
Trăng trong rừng và những đứa trẻ
những đứa trẻ chưa từng ra biển
nào thấy trăng trên sóng biếc mênh mang
chưa được lớn lên ở đồng bằng
để ca múa dưới vầng trăng nguyên vẹn
cũng chưa sống giữa phố phường bừng ánh điện
nơi mùa trăng dễ bị lãng quên
những đứa trẻ ở rừng
chỉ đón trăng rằm qua kẽ lá
những vệt ngời nho nhỏ
long lanh hoài trong đáy mắt ngây thơ
“ trăng tròn ơi xuống đây chơi…”
ngồi dưới gốc bằng lăng chúng ca khe khẽ
ai hiểu hết nỗi khát thèm của bé
“trăng tròn ơi xuống đây chơi…”
rất dễ thương, trăng là đứa trẻ
gương mặt dịu lành soi năm tháng gian lao
“trăng tròn ơi xuống đây chơi…”
những vệt ngời nho nhỏ
những vệt ngời nho nhỏ

giữa rừng già
trăng bé thế thôi
1972
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.