Trả lương cao chưa hẳn là giải pháp tốt để thu hút nhân tài

Hà Ánh
Hà Ánh
14/07/2022 08:05 GMT+7

Chiều 13.7, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức tọa đàm Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14, thu hút nhiều nhà khoa học và lãnh đạo các trường ĐH tham dự.

Một trong số các nội dung được đưa ra phân tích về những khó khăn, tồn tại trong biên chế, chính sách lương thưởng, thu hút nhân tài, đặc biệt là các nội dung liên quan đến vấn đề giáo dục, y tế.

PGS-TS Vũ Hải Quân (trái), Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phát biểu trong buổi tọa đàm chiều 13.7

hà ánh

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng cơ chế chính sách thu hút nhân tài chưa được như mong muốn đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. “Trong 5 năm thí điểm, TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, 3 năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào”, ông Quân nói. Đồng thời Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Trong lĩnh vực y tế, gần đây có hiện tượng một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư và hiện tượng này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận với y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, nhất là đối với lao động nhập cư. Vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa?”.

Trước thực trạng trên, PGS-TS Vũ Hải Quân đặt vấn đề: “Việc trả lương cao so với mặt bằng chung để thu hút người tài có phải là cách làm, cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn? Người tài, chuyên gia học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4), mỗi tháng nhận 14 triệu đồng. Các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng có thực sự thu hút được không? Nhìn qua Singapore, có vẻ như họ làm từ gốc - thu hút và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi từ Việt Nam qua học, khi tốt nghiệp phải có nghĩa vụ làm việc cho Singapore”.

Từ thực tiễn trường mình, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho hay nhân lực là động lực chính để phát triển TP.HCM trở thành đầu tàu của cả nước. “Hiện nay nhân lực ngành công nghệ thông tin đã nhận thu nhập chúng tôi trả gấp hơn 2 lần mức lương cơ bản. Nếu phó giáo sư tối thiểu 20 triệu đồng/ tháng chưa kể nguồn dạy thêm, thì rất khó”. Do vậy, theo ông Tú, nếu chỉ mười mấy triệu đồng/tháng thì không thể thu hút nhân tài về lĩnh vực công được. Đề án thu hút nhân tài này, để trả lương cao thì TP không chỉ dựa vào nguồn ngân sách, mà phải có cơ chế để các doanh nghiệp đóng tiền để trả lương cho nhân lực chất lượng cao này.

Góp ý dự thảo nghị quyết mới, GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng dự thảo chỉ tập trung nhân tài là nhà khoa học không đề cập đến các đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, GS Mai đề xuất nghị quyết mới cần có thêm khoản về triển khai xây dựng Đề án nuôi dưỡng và đào tạo mũi nhọn từ nguồn học sinh và sinh viên tài năng. Trong đó, có đầu tư để hình thành những cơ sở giáo dục mũi nhọn, có cơ chế lương xứng đáng cho giáo viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.