Trắc trở đường đến trường

05/12/2015 07:06 GMT+7

Là một ấp đảo xa xôi, hẻo lánh tại Cần Giờ (TP.HCM), hằng ngày những đứa trẻ ở Thiềng Liềng phải lội bộ nhiều cây số mới xuống được đò đi học.

Là một ấp đảo xa xôi, hẻo lánh tại Cần Giờ (TP.HCM), hằng ngày những đứa trẻ ở Thiềng Liềng phải lội bộ nhiều cây số mới xuống được đò đi học.

Gian nan đường đến trường của chị em Nga - Ảnh: Nữ VươngGian nan đường đến trường của chị em Nga - Ảnh: Nữ Vương
Những đôi chân trần
Đến với Kênh 50, một địa phận nhỏ của ấp đảo Thiềng Liềng, quanh năm suốt tháng người dân nơi đây chỉ đi chân đất. Chân đi ngoài ruộng về vẫn đi vào nhà bình thường vì nền nhà cũng là nền đất. “Tối đến khi nào đi ngủ thì mới rửa chân, chứ nền nhà thế này, mang dép gì cho mất công”, chị Nguyễn Thị Vân, người dân nói.
Mỗi ngày, cũng với đôi chân trần, các em nhỏ phải băng qua những cánh đồng muối hơn 3 cây số đầy những vỏ sò, vỏ ốc rồi khu rừng ngập mặn toàn bùn lầy, trơn trượt để ra được bến, đón đò đi học. “Quen rồi cô ạ. Bàn chân của con giờ cứng hơn đá, vỏ nào mà đâm thủng được hả cô”, Trương Thành Giang, học sinh lớp 6 hồn nhiên trả lời khi chúng tôi tỏ vẻ lo lắng.
Rồi cũng đôi chân trần, để đến trường, hai chị em Phạm Thị Xuân Nghi và Phạm Thị Xuân Mai (tổ 39) phải dậy từ 3 giờ sáng, lặn lội với con đường ngoằn ngoèo gần 5 cây số cho kịp chuyến đò 5 giờ 30 mỗi sáng.
Gian truân của các em không dừng lại ở đấy, với việc di chuyển bằng đò nên nhiều khi nước cạn, đò không vào được bến, những đứa trẻ này phải lội qua bùn lầy. “Nhiều khi không giữ được thăng bằng là ngã nhào xuống bùn, áo quần lấm lem, vì thế mỗi ngày đi học tụi em phải mang theo áo quần để thay”, Nga nói.
Sau khi vượt cùng các em đoạn đường lầy, cầm máy hình ghi lại những khoảnh khắc này mà tay cứ run run vì mệt, thầy Trương Tiến Thanh giáo viên Trường THCS Thạnh An nói trong tiếng thở: “Đoạn đường tôi vừa đi qua là đoạn đường mà các học trò của tôi ngày ngày phải vượt qua để đến được lớp học. Nghị lực của các em phải là nghị lực thép”.
Sợ phải nghỉ học
Bên cạnh những khó khăn do giao thông cách trở, các em học sinh nơi đây còn đối mặt với tình trạng dễ bị nghỉ học giữa chừng vì kinh tế gia đình khó khăn.
Giang và Nga là hai chị em trong gia đình có 6 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống của gia đình quanh năm chỉ dựa vào việc làm muối, anh và chị đầu của Giang phải nghỉ học để phụ ba mẹ nuôi mấy đứa em ăn học. Nhưng chị em Giang cũng đang đứng trước nguy cơ phải rời ghế nhà trường.
“Cũng muốn ráng cho mấy đứa nó đi học kiếm cái chữ mà đổi đời. Nhưng muối cứ rớt giá mãi lấy đâu ra tiền cho tụi nhỏ học. Ráng cho đủ miếng ăn qua ngày cũng khó nữa là…”, chị Vân, mẹ của chị em Nga nghẹn lời.
Anh Trương Văn Truốn, chồng của chị Vân tiếp lời: “Mỗi chuyến đò đi về của một đứa tốn 10.000 đồng, rồi tiền ở lại ăn trưa để học buổi chiều. Con Nga học THPT bên thị trấn Cần Thạnh thì tốn thêm tiền ký túc xá. Con bé đầu học trung cấp trên thành phố mỗi tháng tốn đến tiền triệu. Vợ chồng tôi xoay không nổi. Nhưng con ham học quá, cứ nói đứa nào nghỉ học là đứa nấy khóc ngất. Làm cha, làm mẹ sao cầm lòng nổi”.
Dù không đông con như chị Vân nhưng cuộc sống của gia đình anh Phạm Văn Thanh (ba của chị em Nghi) cũng lay lắt từng ngày với mấy giạ muối. “Cho hai đứa đi học mà cũng không biết được đến khi nào nữa. Nhiều khi không có tiền, bảo nghỉ học một hôm nhưng hai chị em nó cứ khóc rồi năn nỉ, ba mẹ cho con xin tiền để đi đò thôi, không cần tiền ăn cũng được”, anh Thanh thở dài kể về sự ham học của hai đứa con.
Để duy trì được việc học, nhiều em tranh thủ ngày cuối tuần đi làm bốc vác thuê cho người khác để kiếm tiền, hay lênh đênh trên những chuyến đò ra khơi đánh bắt cùng gia đình. Rồi cũng có em vào những buổi trưa nắng phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như chính cha mẹ của mình trên các ruộng muối. Nga, cô bé đang học lớp 10, vì muốn đỡ tiền cho cha mẹ nên mỗi tuần ở lại ký túc xá em nhịn ăn sáng. Ngày chỉ đăng ký một buổi cơm trưa ở căn tin của trường, còn tối thì ăn mì gói qua bữa thay vì đăng ký thêm một suất cơm tối thì tốn thêm 15.000 đồng.
Trên chuyến đò từ ấp đảo Thiềng Liềng đến thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ nồng nặc mùi tanh của bùn lầy, giữa trưa nắng gắt trong khoang hầm ngột ngạt dầu máy, thấy Nga chân còn lấm bùn, trên tay túi mì tôm dự trữ cho một tuần tôi hỏi: “Khổ thế này liệu có lúc nào em thấy nản không?”. Nga bộc bạch: “Em chưa bao giờ nản. Nhưng em sợ, sợ phải nghỉ học vì ba mẹ không có đủ tiền để cho em đi học nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.