Hàng loạt các vụ việc đã và đang làm nóng các trang báo những ngày qua: lâm tặc khống chế kiểm lâm để lấy gỗ huê bất hợp pháp ở Quảng Bình; người dân xã Tâm An, H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai đòi lấp cống xả Sonadezi; Bộ Y tế (lại) về H.Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi để “tiếp tục nghiên cứu bệnh lạ” trong khi số người mắc bệnh và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu dừng mà bệnh gì thì vẫn chưa được gọi đúng tên; Bộ Công an tổ chức họp báo để công bố nguyên nhân cháy xe nhưng rốt cuộc, ai bị cháy xe thì... ráng chịu vậy!
>> Kết luận nguyên nhân cháy xe chưa thuyết phục
>> Dân đòi lấp cống xả Sonadezi
>> Khống chế kiểm lâm để tẩu tán gỗ huê
Những vụ việc trên đây, nội dung và tính chất có khác nhau nhưng tất cả đều gặp nhau một điểm: không ai chịu trách nhiệm trước những vụ việc rất nghiêm trọng ấy cả. Trách nhiệm đang chạy lòng vòng.
Không phải mới đây, người dân xã Tâm An mới ra “tối hậu thư” đòi Công ty CP DV Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại cho họ, mà ngay sau khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bắt quả tang doanh nghiệp này lén xả chất thải ra sông Đồng Nai hồi tháng 8.2011, hàng chục hộ dân xã Tâm An đã kiến nghị các cấp chính quyền địa phương yêu cầu can thiệp để Sonadezi bồi thường. Tuy nhiên, tất cả những kiến nghị của họ đều không được đáp ứng.
Thậm chí, Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII hết kêu oan đến hứa với dân - nơi bà tiếp xúc cử tri, rằng Công ty Sonadezi Long Thành sẽ bồi thường khi có kết luận thiệt hại. 114 ha ruộng lúa và đầm tôm của người dân trong khu vực đã bị chất thải của công ty này tấn công khiến nhiều gia đình trắng tay suốt từ năm 2008 đến nay - đó là kết luận của Viện MT-TN chứ không phải người dân vu vạ cho Sonadezi như lãnh đạo của công ty này từng thanh minh với cơ quan chức năng và báo giới.
Một doanh nghiệp mang danh xử lý ô nhiễm môi trường, lại từng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như Sonadezi mà lại gây ô nhiễm môi trường bằng những hành động lén lút, thì quả là chuyện khó tin. Lại càng khó tin hơn khi mọi việc đã rõ ràng nhưng các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc thì cứ lần lữa khiến người dân càng bức xúc. Vi phạm pháp luật có thể xảy ra từ những người nông dân chất phác này, có một phần lỗi là do sự vô cảm từ những công bộc của dân.
Nếu như vụ “bít cống xả thải” ở Long Thành là do các ngành chức năng không vào cuộc để giải quyết dứt điểm thì vụ “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, sự vào cuộc rất chập chờn của ngành chức năng càng khiến cho dân hoang mang hơn. Đã một năm qua, lòng kiên nhẫn của người dân Ba Tơ gần như bị tát cạn mà căn bệnh thì vẫn chưa được gọi đúng tên. Cho đến chiều tối 28.4, đích thân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào Quảng Ngãi để chủ trì cuộc họp “tìm nguyên nhân bệnh lạ”, nhưng căn bệnh làm 19 người chết và hàng trăm người đang mắc ở huyện vùng cao này vẫn tiếp tục “lạ” với ngành y tế! Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã “bắn tin” sẵn sàng về Quảng Ngãi để tìm nguyên nhân của căn bệnh thì vẫn chưa được bật đèn xanh.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục người dân vùng cao Ba Tơ này? Chắc chắn là không có ai cả, cũng giống như các vụ cháy xe, cướp gỗ huê và xả chất thải ra sông Đồng Nai vậy, trách nhiệm cứ thế lòng vòng...
Trần Đăng
Bình luận (0)