Trách nhiệm với người dân

06/08/2024 04:14 GMT+7

Liệu chúng ta có thấu hiểu những giọt nước mắt của người thuộc trường hợp nhân khẩu đặc biệt bật khóc khi được làm thẻ căn cước?

Không ai lựa chọn để mình sinh ra với thân phận "mơ hồ". Đó có thể là một đứa trẻ bị "vứt bỏ" trước cổng chùa, hay một người lang thang cơ nhỡ không còn có thể truy vết nhân thân. Đó có thể là những phận đời mà tổn thương trong quãng đời quá khứ đẩy họ vào tình cảnh của người "hữu thực vô danh". Đó là tình cảnh của những người mà có thể trong một vài ngữ cảnh cười ra nước mắt nào đó, chúng ta buột miệng gọi họ là đối tượng "3 không": không người thân, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân.

Vì thế mà họ lâm cảnh thiệt thòi đủ thứ: về kinh tế, về giáo dục, về sức khỏe, về tham gia xã hội... Những thiệt thòi "di truyền" sang thế hệ tiếp theo. Con cái họ không thể đi học, đơn giản vì không có đủ những giấy tờ nhân thân hợp pháp. Rồi là không bảo hiểm y tế, không hỗ trợ hộ nghèo, không được hưởng điện nước giá thấp, mơ nhiều đêm cũng không lạc nổi vào giấc mơ vay vốn xóa đói giảm nghèo

Cơ hội tham gia xã hội của bọn trẻ ấy cũng vì thế mà bị đẩy vào ngõ cụt, nơi mà những hố đen cạm bẫy tệ nạn xã hội sẽ rình rập và vồ bắt lấy chúng. Xin đừng vội gán lỗi, quy tội. Xin hãy nghĩ về thân phận và sự thiệt thòi của họ, không chỉ bằng lòng trắc ẩn, mà còn phải bằng tinh thần trách nhiệm mà tất cả các bên liên quan đều phải góp vào.

Giờ thêm chuyện chuyển đổi số. Mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thẻ căn cước (TCC) gắn chip, định danh số, chính phủ số... Khoảng cách số (digital divide) giữa họ với xã hội càng thêm xa ngai ngái, càng làm trầm trọng thêm những thiệt thòi của các nhân khẩu đặc biệt này.

Vậy nên TCC gắn chip với họ không chỉ là tấm thẻ thủ tục hành chính để trình báo cơ quan chính quyền phục vụ quản lý an ninh trật tự, mà quan trọng hơn thế rất nhiều, là "đường dẫn kỹ thuật số" để kết nối họ với nguồn lực của xã hội mà họ có thể "tựa vào" để thay đổi số phận của mình.

Nhìn từ góc độ của chính quyền, việc để cho một số trường hợp người dân sinh ra, lớn lên, đang sinh sống trên đất nước mình mà lại phải chịu cảnh "thân phận mơ hồ" thì đó là một gánh nặng trách nhiệm không thể thoái thác. Nếu không giải quyết được thì vấn đề đó trở thành gánh nặng giải trình không thể tránh né.

Nên chuyện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM phối hợp cơ quan này ở cấp Bộ (C06), Sở LĐ-TB-XH tổ chức cấp TCC cho 117 nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là chuyện rất cần được nhiều nơi khác triển khai làm theo. Bởi việc làm này không chỉ thể hiện nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của chính quyền với người dân thuộc đối tượng yếu thế, mà qua đó còn thể hiện đúng, lan tỏa phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" mà Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng trong quá trình chăm lo, nâng cao đời sống người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.