Cấp thiết hơn cả hỗ trợ

04/08/2024 05:16 GMT+7

Đó là bỏ các quy định bất hợp lý đang trói buộc doanh nghiệp không thể bứt ra khỏi vùng khó khăn; những chính sách lỗi thời nhưng tồn tại lưu cữu làm tăng chi phí, giảm cơ hội trong bối cảnh môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm như ngồi trên đống lửa khi quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì tưởng chừng được lắng nghe lại xuất hiện trong dự thảo sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế. Đơn kiến nghị, họp hành, đề xuất... liên tục nhưng chưa biết cơ quan có thẩm quyền quyết thế nào nên cứ phấp phỏng. Đáng nói là vấn đề này đã được phản ánh, đeo đuổi suốt gần 8 năm qua và đến bây giờ vẫn "giữ nguyên hiện trạng" dù đã lỗi thời. Cụ thể, quy định này bắt nguồn từ mục đích VN muốn bổ sung kẽm, sắt để tăng chiều cao cho trẻ em, và các chất này chủ yếu nằm trong thịt, cá... Nhưng đó là khi chúng ta còn nghèo, cá thịt hạn chế. Còn nay VN không thiếu dinh dưỡng, người tiêu dùng cũng có những nhu cầu khác nhau, không phải ai cũng cần i ốt hay bổ sung thêm sắt, kẽm. Vì thế, quy định bắt buộc phải bổ sung vi chất vừa gây lãng phí, lại vừa làm khó cộng đồng DN chế biến. Khó thế nào, lãng phí ra sao đã được phân tích hết sức cụ thể, thấu đáo... nhiều lần, trong nhiều năm. Chỉ không hiểu vì sao nó vẫn tồn tại, vẫn treo lơ lửng khiến các DN mất ăn mất ngủ, liên tục họp hành bàn bạc, đơn từ kiến nghị vì sợ quy định này được thông qua thì nỗi khổ bổ sung vi chất sẽ kéo dài.

Tương tự, quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu với mục đích cao nhất là chống vàng hóa nền kinh tế đã phát huy tác dụng. Từ cái gì cũng "quy ra vàng", đến nay kim loại quý không còn được sử dụng như một phương tiện thanh toán nữa mà chỉ là kênh trú ẩn an toàn, là "của để dành" hợp pháp của người dân, nhà đầu tư. Thế nhưng dù Chính phủ chỉ đạo nhiều lần, NHNN cũng hứa song vẫn chưa sửa đổi quy định đã kéo dài 11 năm và không còn phù hợp với thị trường hiện tại nói trên. Thay vào đó, cơ quan này lại áp dụng các giải pháp tình thế là bán vàng qua 5 NH khiến việc mua vàng trở nên khó khăn. Rồi các đơn vị này lại đưa ra các "quy định con" như bán vàng trực tuyến, phải mở tài khoản ở NH mình mới được mua vàng. Mới nhất là việc Công ty SJC từ chối mua vàng miếng SJC loại 1 chữ do chưa có quota gia công vàng miếng từ NHNN, đơn vị độc quyền sản xuất... khiến thị trường xáo trộn. Chưa kể ngành nữ trang, đã từng mang về hàng tỉ USD xuất khẩu, nay teo tóp vì thiếu nguyên liệu; nguồn nghệ nhân kim hoàn khéo tay, giàu kinh nghiệm bị lãng phí, không được tận dụng...

Dẫn vài trường hợp để thấy, những quy định lỗi thời, những cơ chế không còn phù hợp hay các "giấy phép con", "giấy phép cháu" nội ngành nhưng gây ách tắc dòng chảy vốn, dòng chảy thuế vẫn đang tồn tại một cách khó hiểu. Trong khi sức khỏe của cộng đồng DN chưa thực sự phục hồi, nếu không muốn nói là ốm yếu, thậm chí nhiều công ty vẫn đứng giữa lằn ranh sinh tồn. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng qua đã có 125.500 DN rút khỏi thị trường, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước. Tính bình quân mỗi tháng có gần 18.000 DN rút khỏi thị trường. Vậy bao nhiêu trong số đó có sự góp phần từ những quy định bất hợp lý vẫn đang bào mòn sức cạnh tranh của họ như nói trên?

Ở chiều ngược lại, Chính phủ chắt chiu từng cơ hội chính sách, nỗ lực đưa luật mới vào áp dụng sớm, kéo dài các gói ưu đãi... để phục hồi kinh tế. Thế nên, cấp thiết không kém là tháo bỏ các quy định bất hợp lý để cộng đồng DN có thêm dư địa tăng năng lực cạnh tranh, góp phần vào cỗ máy tăng trưởng đã được kích hoạt trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.