Nếu tính riêng khoản nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên 3 tháng thì TP.HCM có hơn 17.000 doanh nghiệp (DN) đang nợ với tổng số tiền hơn 3.000 tỉ đồng của hơn 93.000 người lao động (NLĐ). Trong đó, có 40 DN nợ từ 6 tỉ đồng trở lên. Đây chỉ là con số ở TP.HCM, những tỉnh thành khác, nhất là ở Hà Nội, tỷ lệ nợ BHXH thậm chí còn cao hơn nhiều.
Khi DN nợ BHXH, quyền lợi của NLĐ bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Chưa kể ảnh hưởng đối với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, hưu trí… mà NLĐ phải chịu, chỉ cần nêu một trường hợp thiết thân là có thể thấy rõ hệ lụy: NLĐ không may gặp tai nạn hay cần phẫu thuật gấp nhưng lại không thể dùng thẻ BHYT để thanh toán tiền khám chữa bệnh vì thẻ đã bị khóa nếu DN chậm đóng từ 30 ngày trở lên.
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh nói mặc dù đơn vị đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo thẩm quyền nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đọng vẫn xảy ra; các DN vi phạm vẫn không khắc phục. Còn Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng "lắc đầu" vì đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan lĩnh vực BHXH tăng lên nhiều so với năm 2023, nhưng việc giải quyết gặp khó khăn do nhiều DN thiếu hợp tác, không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Điều đáng nói, cho tới nay cả nước vẫn chưa có vụ án, bị can nào bị khởi tố vì tội trốn đóng BHXH, việc giải quyết vấn đề gặp ách tắc từ khâu quy định pháp luật cho tới hồ sơ, chứng cứ, tài liệu… Thực trạng này có thể khiến dư luận đặt câu hỏi là liệu các cơ quan chức năng có đang thiếu hợp tác với nhau và thiếu quyết liệt xử lý hay không.
Trong luật BHXH sửa đổi được thông qua mới đây, có hẳn 2 điều quy định rõ hơn về hành vi và chế tài đối với tội trốn đóng BHXH. Hiện vẫn còn chờ Chính phủ ra văn bản hướng dẫn, nhưng các chuyên gia kỳ vọng luật mới sẽ là cơ sở vững chắc để giải quyết được thực trạng nợ BHXH nhức nhối hiện nay. Cùng với đó, cũng có thể học tập kinh nghiệm từ các biện pháp của cơ quan thuế: phong tỏa, cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh người đại diện pháp luật đối với những DN chưa thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Đã có nhiều đề xuất áp dụng những biện pháp tương tự, bao gồm cấm xuất cảnh đối với người đứng đầu DN nợ BHXH trên 1 năm. Tất cả đều nhắm tới một chế tài quyết liệt và có tính răn đe.
Ở góc độ nhỏ hơn, các cơ quan nhà nước, từ BHXH, công an, cơ quan quản lý lao động, công đoàn hoàn toàn có thể cùng nhau xây dựng một quy trình phối hợp rõ ràng để xử lý các vụ việc vi phạm BHXH, như quy trình xử lý khi có một vụ ngừng việc tập thể xảy ra; hay có một quy trình thu thập, chuẩn bị để đảm bảo hồ sơ, chứng cứ, tài liệu đầy đủ để khởi tố vụ án hình sự. Nếu không, điều đáng lo ngại không chỉ là số tiền nợ BHXH lên tới bao nhiêu mà còn là tình trạng các "con nợ" chây ì, vi phạm, xem thường pháp luật nhưng vẫn có thể ung dung.
Bình luận (0)