Để đại học phi lợi nhuận Việt Nam phát triển

Th.S Châu Dương Quang
(Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)
02/08/2024 04:04 GMT+7

Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, kể từ khi giáo dục ĐH ngoài công lập được phép chính thức hoạt động năm 1994, lợi nhuận và sở hữu luôn là những chủ đề chính sách được quan tâm, và thường xuyên gây ra nhiều tranh luận.

Tại nhiều nước, mô hình phi lợi nhuận (PLN - hay VN dùng khái niệm không vì lợi nhuận) có nhiều đặc điểm ưu việt, giúp cho các ĐH này phát triển tốt. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bảng xếp hạng ĐH trên thế giới, ngoài các trường công lập chiếm đa số thì phần lớn các trường tư thục được xếp hạng cao đều là trường PLN. Một nhóm các trường này còn thường xuyên chiếm giữ những thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng. Lý do đơn giản là vì các trường này có khả năng, và thực sự đầu tư rất mạnh cho chất lượng giáo dục.

Sở dĩ họ có thể đầu tư như vậy là vì họ không phải chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, chủ sở hữu. Trên thực tế, các trường này không thuộc sở hữu bởi một (nhóm) cá nhân cụ thể nào. Ngoài ra, đối với nhiều trường ĐH tư thục PLN, mặc dù học phí đắt đỏ, nhưng vẫn thấp hơn tổng chi phí đào tạo. Vì vậy, các trường này chỉ tập trung tuyển sinh đúng đối tượng mà không có động lực phải tuyển nhiều sinh viên (vì càng thu nhận nhiều sinh viên thì họ càng "lỗ").

Nguyên tắc không chia lợi nhuận và khả năng huy động, phát triển được một nguồn quỹ tài trợ bền vững là vấn đề cốt lõi, giúp các trường ĐH tư thục PLN tạo ra sự khác biệt đáng kể so với các mô hình ĐH khác.

Làm sao để thúc đẩy các đặc trưng cốt lõi của mô hình ĐH PLN tại VN: không chia lợi nhuận cho chủ sở hữu và có khả năng huy động được tài trợ?

Để đảm bảo nguyên tắc không chia lợi nhuận, luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) 2018 quy định một cách minh định trong văn bản luật nhưng vẫn công nhận nhà đầu tư là sở hữu của các trường này. Trong khi đó, luật GDĐH 2012 thì ngược lại, chỉ giới hạn số lượng nhỏ nhà đầu tư tham gia hội đồng quản trị (HĐQT, nghĩa là nhà đầu tư không còn là chủ sở hữu trường ĐH nữa), nhưng lại cho phép các cổ đông nhận cổ tức dù mức cổ tức bị khống chế: không cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ. Nói cách khác, luật GDĐH 2012 triệt tiêu phần lớn động cơ trục lợi cá nhân, vì nhà đầu tư không kiểm soát HĐQT, nhưng giữ lại động lực để huy động cộng đồng tham gia tài trợ (với một điều kiện hợp lý) cho trường ĐH PLN. Nói cách khác, luật GDĐH 2012 tỏ ra phù hợp hơn luật Sửa đổi một số điều của luật GDĐH 2018 trong việc thúc đẩy mô hình trường ĐH tư thục PLN.

Ngoài việc cân nhắc quay trở lại những quy định trong luật GDĐH 2012, trong lần chỉnh sửa luật tiếp theo, có thể cải tiến luật GDĐH 2012 để phù hợp hơn với bối cảnh VN. Thứ nhất, chỉ những người góp tiền mới được tham gia HĐQT, nhưng việc bầu chọn thành viên HĐQT phải theo nguyên tắc đối nhân chứ không đối vốn. Thứ hai, có thể cân nhắc sửa đổi quy định người góp tiền được nhận cổ tức bằng quy định người góp tiền được nhận khoản tiền lãi cố định hằng năm không phụ thuộc vào tình hình vận hành của trường. Điều này sẽ giúp người góp tiền an tâm hơn. Đương nhiên, trong trường hợp huy động tài chính này thì các báo cáo tài chính và danh mục đầu tư phải được giám sát cẩn thận. Thứ ba, cần có cơ chế miễn giảm thuế (có thể ít) để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia góp tiền phát triển trường ĐH PLN. Những khoản đóng góp lớn là cần thiết để trường có khả năng đầu tư một cách lâu dài và chiến lược.

Vấn đề quan trọng cần khẳng định là chúng ta ủng hộ mô hình PLN thực chất, và mô hình này không thể được phát triển bằng mệnh lệnh hành chính. Vì thế, không nên ép buộc các trường ĐH tư thục phải theo mô hình PLN. Việc áp đặt này sẽ dễ dẫn đến mô hình PLN giả hiệu - trường sẽ chỉ tận dụng ưu đãi chính sách mà không tạo ra lợi ích cho xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.