Trách nhiệm với thiên nhiên

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
23/06/2020 06:31 GMT+7

Nhìn hình ảnh anh nhân viên khu bảo tồn sao l a nâng niu ngọn môn thục bé xíu giữa bao la rừng xanh mới thấy hết nỗ lực của các anh trong bảo vệ rừng, gìn giữ mái nhà chung cho muôn loài.

Những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy đã được chúng tôi ghi lại trong loạt phóng sự Đi tìm Kỳ lân châu Á. Tôi đã theo chân các đội tuần tra thuộc 2 khu bảo tồn sao la Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế vào tận những cánh rừng ở trung Trường Sơn, trên biên giới Việt - Lào. Trong chuyến tuần tra dài ngày này, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh các nhân viên bảo vệ rừng sử dụng các “biện pháp nghiệp vụ” để bảo tồn sao la - loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới.
Tuy vậy, điều khiến tôi chú ý nhiều hơn là dù giữa bạt ngàn rừng xanh nhưng không vì thế mà các anh tùy tiện đưa những nhát rựa để mở lối tuần tra. Thay vào đó, các anh hòa mình vào khu rừng, nhẹ nhàng luồn qua từng lùm bụi, đám cây gai để tránh kinh động đến thiên nhiên.
Hôm dừng lại bên một khe suối, anh Viên Xuân Liên bảo, điều tối kỵ của người làm công tác bảo tồn là phát quang quá rộng để làm lán. Cho nên, khu vực gần suối là phù hợp nhất.
Những ngày theo chân đội tuần tra, tôi được nghe anh em trong đội kể về chuỗi thức ăn của sao la, nhất là môn thục - món ăn ưa thích của chúng mọc trong rừng rậm. Trên đường “hành quân” hễ gặp đám môn nào là các anh dừng lại. Ngoài kiểm tra xem có dấu vết hay không thì việc quan trọng không kém là loại bỏ những cây che để môn thục phát triển tốt hơn. Những cây môn còi cọc thường được các anh ân cần vun lại từng gốc để cây bám rễ trở lại. Những lần sơ ý giẫm nát môn thục do mải dò đường hay những nhát rựa mở lối vô tình làm đứt ngọn cây, người làm công tác bảo vệ rừng như anh Liên lại tần ngần; cứ như làm một việc gì đó có lỗi.
Bài học mà tôi rút ra được là khi vung rựa chặt một nhành cây, hãy nghĩ về mái nhà chung như cách mà những người tuần rừng trăn trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.