Trải nghiệm Counter-Strike Online: Sự thất vọng đã được tiên liệu

24/03/2015 18:36 GMT+7

Đồ họa lỗi thời nhưng lối chuyên bê nguyên xi từ đàn anh Counter-Strike 1.6 có lẽ chính là nguyên nhân khiến nhà phát hành goPlay quyết định mang Counter-Strike Online về Việt Nam dù trò chơi này sắp tròn 7 tuổi.

Counter-Strike (đặc biệt là bản 1.6) hay Half-Life đã gắn bó với tuổi thơ của hầu hết những game thủ thế hệ 8x, đầu 9x. Ngày đó, cứ ra tiệm net chúng ta lại được nghe tiếng súng bắn đì đoàng, tiếng la hét inh ỏi của những người trẻ (lúc đó) khi bắn Counter-Strike 1.6. Khi nhà phát hành goPlay thông báo phát hành Counter-Strike Online (CSO), phiên bản online của CS 1.6, với cái mác "Sự trở lại của một huyền thoại" đã khiến nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu có quá trễ cho một huyền thoại?


Video trải nghiệm Counter-Strike Online.

Phút ban đầu bối rối

Hôm nay (24.3.2015), nhà phát hành goPlay tiến hành chạy thử nghiệm Open Beta cho CSO, Thanh Niên Game đã tham gia chơi để có những đánh giá thực tế. Điều đầu tiên đập vào mắt người viết chính là... màn hình bị kéo co lại, vì vậy nếu có chơi Thanh Niên Game khuyến cáo bạn để ở chế độ cửa số.

Counter-Strike Online: Trút chút hơi tàn

Tiếp theo chính là giao diện với lối thiết kế đơn điệu, có phần hơi rối rắm, cũ kỹ. Đến các phần chọn phòng game, người viết phải loay hoay một hồi mới có thể vào đúng máy chủ vì có tất cả 6 máy chủ, mỗi máy chủ lại có các máy chủ con... Bấm nút Vào Nhanh cũng gặp lỗi, chơi game cũng thật là cực khổ.

Sau một hồi kiên nhẫn cuối cùng người viết cũng thấy được máy chủ có rất nhiều phòng do game thủ tạo, đến thời điểm hiện tại thì Máy Chủ 1 và 2 của Máy Chủ Cao Cấp đang rất đông với nhiều game chứa đến 32 người. Thanh Niên Game cũng đã liên hệ đại diện nhà phát hành goPlay và nhận được thông tin số người đăng nhập trực tuyến cùng lúc là gần... 4.000. Một con số có thể nói là khá ổn, còn độ xác thực thì có... nhà phát hành biết.

Dạt dào hoài niệm...

Đến phần trải nghiệm game, cảm giác quen thuộc ngày nào lại ùa về. Nếu đã từng chơi Counter-Strike 1.6, bạn sẽ thấy rất thích thú vì những gì cốt lõi trong lối chơi của CS 1.6 đều được giữ nguyên trong CSO: đồ họa, bản đồ, súng ống, còn độ nảy của súng (recoil) và nhịp chạy có cảm giác đôi chút khác biệt nhưng không rõ rệt lắm. Chính vì vậy, nếu đã quen với các loại súng trong CS 1.6, bạn không mất quá nhiều thời gian để làm quen lại. Vẫn khẩu M4A1 có thể xả (spray) tốt hay AK-47 phù hợp để nhấp từng viên (tapping) hoặc vài viên (burst) hay thực hiện những pha vẩy cũng như snap zoom (nhấp chuột trái và phải cùng lúc) bằng súng nhắm AWP, v.v.

Counter-Strike Online: Trút chút hơi tàn

Điểm khác biệt giữa CSOCS 1.6 có lẽ nằm ở việc CSO thêm thắt một số yếu tố để phù hợp hơn dành cho việc chơi mạng. Đầu tiên là "phát thanh viên" hô hào "Double Kill", "Multi Kill" hay biểu tượng hiện lên mỗi lần bạn đạt được chuỗi "giết chóc" tương tự nhiều game online khác. Tiếp theo là chế độ Zombie khá thịnh hành trong các tựa game bắn súng trực tuyến, điển hình là Đột Kích (do VTC Game phát hành). Bạn sẽ được thả vào chiến trường đầy rẫy thây ma và phải cùng đồng đội chiến đấu để sinh tồn hoặc nếu thích làm zombie với máu siêu trâu để đi săn người, CSO cũng có sẵn chế độ đó cho bạn.

Counter-Strike Online: Trút chút hơi tàn

Nhìn chung, Counter-Strike Online có được lợi thế đó là thừa hưởng lối chơi quen thuộc từ "ông anh" Counter-Strike 1.6, kèm theo một số yếu tố mới như trang phục, mẫu súng, một số loại vũ khí mới, v.v. Những người muốn hoài cổ sẽ tìm đến CSO, nơi có đông người tụ tập hơn là "tự kỷ" CS 1.6 một mình với bot (máy) khi chẳng có ai chơi chung.

Counter-Strike Online: Trút chút hơi tàn

Nhưng "già thì vẫn già"

Counter-Strike Online: Trút chút hơi tàn

Counter-Strike Online tuy có lối chơi quen thuộc nhưng nó đã khá "già" với nền đồ họa cũ kỹ, lạc hậu và sẽ chính thức bước sang tuổi... thứ 7 vào tháng 7 năm nay (2015). Chưa kể Nexon đã vận hành người kế nhiệm của CSOCounter-Strike Online 2 từ năm... 2013 hay hãng Valve đã cho ra mắt Counter-Strike: Global Offensive hồi 2012. Cả hai đều có đồ họa đẹp hơn hẳn CSO do dựa trên Source Engine của Valve. Câu hỏi đặt ra, tại sao game thủ phải chơi một trò chơi cũ kỹ như vậy? Trong khi hiện tại có quá nhiều sự lựa chọn cho họ. CSO2 có thể quá tầm với trừ khi bạn vượt qua được giới hạn ngôn ngữ và đường truyền, còn CSGO (có bản quyền) thường xuyên được Valve giảm giá xuống còn khoảng 150.000 đồng và bạn còn có thể kiếm tiền từ nó nữa.

Cần lắm một sự đột phá!

Bên cạnh đó, còn rất nhiều trò chơi bắn súng trực tuyến hấp dẫn ở nước ngoài với đồ họa đẹp mắt cùng lối chơi hấp dẫn nhưng chẳng thấy ai đưa về, như: Firefall, Blacklight RetributionPlanetside 2, v.v. Nếu đưa ra lý do nhiều phòng máy không kham nổi có vẻ không hợp lý khi hiện nay xu hướng hiện đại hóa phòng máy ngày càng được nâng cao, máy rất mạnh, gear cũng rất "khủng". Hay chỉ ra rằng đại đa số người Việt Nam không thích chơi những game như vậy, có thể, nhưng thế giới game FPS (và MMOFPS) rất rộng lớn, không lẽ không một game mới nào phù hợp thị hiếu game thủ Việt Nam sao?

Counter-Strike Online: Trút chút hơi tàn

Có thể, CSO sẽ giúp nhà phát hành goPlay hút được một lượng game thủ kha khá trong thời gian đầu, nhờ thương hiệu CS lẫy lừng. Nhưng chỉ bấy nhiêu rõ ràng là chưa đủ. Điều khiến một game có thể trụ lại (và thậm chí phải trụ lâu, đặc biệt với một game PC client) phải nằm ở sức hấp dẫn từ lối chơi của game, cùng khả năng vận hành và phát triển cộng đồng của nhà phát hành.

Chỉ dựa vào mỗi cái tên đã thuộc dạng "huyền thoại quá khứ" thì khó, khó lắm!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.