Lương Đình Dũng chia sẻ niềm vui này trên trang cá nhân: “Chắc từ nay thoát ly việc “cõng” phim đi đây đi đó được rồi, giờ gọi là theo dấu phim thôi. Nó giống như cảm giác của một người cha thấy con mình đã lớn và có những bước đi độc lập, rất là tự hào”.
Được biết, giải thưởng trên sẽ khởi đầu cho chặng đường đưa phim Cha cõng con đến các LHP khác tại Mỹ. Trước đó Cha cõng con đã đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất, dành cho nhà quay phim Lý Thái Dũng tại LHP quốc tế Barcelona Planet (Tây Ban Nha) hồi tháng 1.2017, và giải Phim xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Canadian Diversity Film (Canada) hồi tháng 11.2016.
Bên cạnh đó, dự án Culi không bao giờ khóc (Culi never cries) cùng Vị (Taste) của đạo diễn Lê Bảo cũng nhận được tin vui: hai dự án này đã được lựa chọn vào chương trình The Cinefondation’s Atelier, nơi các nhà làm phim có cơ hội gặp gỡ với những nhà sản xuất, đầu tư điện ảnh uy tín nằm trong khuôn khổ LHP Cannes diễn ra từ 17 - 28.5. Đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất của dự án Culi không bao giờ khóc, cho biết sau khi rời Cannes, anh và Phạm Ngọc Lân sẽ lên đường tới Đức để chọn bối cảnh cho bộ phim. Dự kiến, phim sẽ được thực hiện trong năm 2018.
Một dự án độc lập khác, bộ phim Vợ ba (The third wife) của đạo diễn Nguyễn Phương Anh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, cũng được lựa chọn trình chiếu giới thiệu tại LHP Cannes lần này.
|
Trong số những gương mặt nhà làm phim trẻ triển vọng, không thể không nhắc đến Trần Dũng Thanh Huy. Bộ phim ngắn 16:30 của anh đã được công chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn tại LHP Cannes 2013. Kịch bản phim dài đầu tay Thằng Ròm đã được Huy chấp bút sau khi trở về từ chuyến đi tới Cannes năm đó. Cuối năm 2015, Huy đã có cơ hội giới thiệu dự án Thằng Ròm với các nhà phát hành tại Hollywood khi tham gia khóa học kéo dài 5 ngày tại Los Angeles, Mỹ. Và cuối năm ngoái, bộ phim Thằng Ròm đã được giới thiệu tại chương trình Gặp gỡ mùa thu khi đang trong giai đoạn dựng phim và hậu kỳ.
Hầu hết các dự án trên đều được hình thành, khởi đầu từ các nỗ lực bền bỉ của các cá nhân, tổ chức mà không có sự hỗ trợ tài chính của nhà nước. Một thế hệ nhà làm phim độc lập mới đã thành hình sau những bước đi tiên phong của những nhà làm phim như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp. “Con đường họ đi là cách để đưa điện ảnh Việt đến với thế giới. Tôi tin tưởng vào tài năng của họ nhưng để đeo đuổi dòng phim này chẳng dễ dàng gì", Phan Đăng Di nhìn nhận. Anh cũng nhấn mạnh “con đường này có thể dễ hơn nếu có sự ủng hộ từ trong nước, còn không thì nó sẽ còn nhiều gian nan lắm”.
Bình luận (0)